Về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học; hầu hết các xã đã có trường THCS; các huyện, thành phố đều có ít nhất 1 trường THPT. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã.
Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 5.561 cơ sở giáo dục phổ thông, với hơn 4,3 triệu học sinh. Tỷ lệ lớp/trường, sĩ số học sinh/lớp các cấp học của vùng Đồng bằng sông Hồng đều cao hơn so với bình quân cả nước.
Cũng trong năm học này, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường toàn vùng đạt 76,8%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,94% - cao nhất cả nước. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, cao hơn 6,2% so với bình quân chung. Một chỉ số khác của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng đứng đầu là chất lượng phổ cập giáo dục các cấp. Cả 4 địa phương đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành phổ cập THPT cấp độ 3 đều thuộc vùng này.
Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, 6/11 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐHQG Hà Nội nằm trong tốp 10 địa phương, đơn vị có nhiều giải học sinh giỏi quốc gia và nhiều giải Nhất học sinh giỏi quốc gia nhất cả nước.
Năm 2022, toàn vùng có 18 học sinh đạt giải Olympic khu vực, quốc tế và Kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (chiếm 54,5% tổng số thí sinh đạt giải). Năm 2023 đây tiếp tục là vùng có số thí sinh được chọn dự thi Olympic quốc tế, khu vực nhiều nhất cả nước.
Ngoài ra, các chỉ số về cơ sở vật chất như tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố, thư viện, thiết bị dạy học đều cao hơn mức trung bình cả nước và đứng đầu trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Nếu các vùng khác còn phải giải bài toán đưa trẻ em, học sinh đến trường hay bài toán khoảng cách về chất lượng giáo dục ngay trong từng địa phương và giữa các địa phương trong khu vực, thì Đồng bằng sông Hồng cơ bản không phải giải những bài toán này.
Tất cả các chỉ số về tỷ lệ tốt nghiệp các cấp học, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm của Đồng bằng sông Hồng đều đứng đầu cả nước. Đặc biệt, đây là vùng đi đầu trong áp dụng đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên; giáo dục hài hòa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng học đi đôi với hành để học sinh giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường học hạnh phúc với nhiều kết quả tích cực ở Đồng bằng sông Hồng không chỉ tạo ra những đổi thay cho giáo dục của vùng mà còn có vai trò dẫn dắt giáo dục cả nước.
Không chỉ nổi bật ở chất lượng giáo dục đại trà, Đồng bằng sông Hồng còn giàu truyền thống về giáo dục mũi nhọn và giáo dục năng khiếu. Toàn vùng hiện có 14 trường chuyên, trong đó có 11 trường trực thuộc tỉnh/thành phố, 3 trường trực thuộc cơ sở giáo dục đại học và 1 khối THPT chuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011 - 2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Ngoài những địa phương đã có “thương hiệu” về thi quốc gia, quốc tế như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội thì sự đầu tư bài bản trong nhiều năm qua đã giúp có thêm nhiều địa phương trong vùng ghi danh về giáo dục mũi nhọn như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Dương.
Với vị trí của một vùng có ý nghĩa chiến lược quan trọng bậc nhất, Đồng bằng sông Hồng cũng chính là trung tâm về đào tạo nhân lực của cả nước. Toàn vùng hiện có 113 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có hàng chục cơ sở có quy mô và chất lượng đứng đầu cả nước. Bình quân hằng năm, có hơn 100.000 sinh viên và hơn 15.000 học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp.
Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng khẳng định được vị trí và thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Một số trường khẳng định được uy tín trong các lĩnh vực đào tạo thế mạnh và là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, các chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng là 32,6% (đứng đầu trong sáu vùng kinh tế - xã hội). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 6,6%. Thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh có chất lượng lao động cao nhất toàn vùng.
Tiết mục văn nghệ tại hội nghị. |
Nhiều thuận lợi, nhiều kết quả nhưng giáo dục Đồng bằng sông Hồng cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Sự phát triển nóng về kinh tế, cùng với tốc độ đô thị hoá, tăng dân số cơ học nhanh hàng đầu cả nước đã làm cho các vấn đề xã hội, trong đó có giáo dục dù được quan tâm vẫn đang chậm hơn so với sự phát triển.
Cụ thể, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng quá tải tại các trường học còn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.
Trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, Đồng bằng sông Hồng được biết tới là nơi khởi tạo nhiều phong trào giáo dục lan toả trong cả nước. Trải qua nhiều lần đổi mới giáo dục, đây luôn là vùng mang sứ mệnh dẫn dắt đổi mới toàn quốc.
Với sứ mệnh như vậy, vấn đề của Đồng bằng sông Hồng là phải đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, vai trò đầu tàu để đưa giáo dục Việt Nam hội nhập thế giới phải được các địa phương đặt ra với quyết tâm cao hơn nữa.
Thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng đang đặt ra cho Đồng bằng sông Hồng thách thức để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.
Tạo sự kết nối chủ động hơn để hỗ trợ các vùng khác, địa phương khác còn đang khó khăn cũng là việc mà giáo dục Đồng bằng sông Hồng phải làm và nên làm. Để trong tương lai không xa, câu chuyện giáo viên ở Đồng bằng sông Hồng hỗ trợ dạy học cho các trường học ở các địa phương miền núi khó khăn như một số trường đã làm thời gian qua sẽ không là cá biệt.
Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu:
Đến năm 2030, Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.
Đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để đạt mục tiêu này, 7 nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến: quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo.
Vùng đồng bằng Sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây luôn luôn là địa bàn cốt lõi của vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại.
Với đặc trưng của một vùng đất lịch sử lâu đời, nơi khai sinh các vương triều Đại Việt, Đồng bằng sông Hồng còn được biết tới là vùng “đất học”. Dù là truyền thống khoa bảng trong quá khứ hay chất lượng giáo dục ở hiện tại, Đồng bằng sông Hồng luôn ở vị thế dẫn đầu cả nước.