Khi đó, học sinh có đủ niềm tin để lựa chọn lộ trình học tập phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của mình. Và khi đó, hoạt động phân luồng học sinh mới có chất lượng và hiệu quả như mong muốn.
Thực hiện “Kế hoạch hóa” trong Hệ thống giáo dục quốc dân
Một thực trạng trong những năm qua cho thấy các cơ sở giáo dục đại học cố gắng nâng cao chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo theo năng lực của nhà trường mà chưa quan tâm nhiều đến việc sinh viên tốt nghiệp có xin được việc làm hay không. Các cơ sở GDNN cũng cố gắng tuyển sinh cho đủ, thừa hơn thiếu và cũng theo hướng đào tạo theo năng lực của nhà trường là chính.
Thực tiễn mấy năm qua cho thấy không ít nhà trường thuộc hai hệ thống giáo dục này dành sự quan tâm nhiều cho công tác tuyển sinh. Và đôi khi, tuyển sinh thành công là một thành công lớn của cơ sở đào tạo.
Tình trạng này, cộng với tư tưởng “sính bằng cấp” và tư tưởng tyển sinh “cho bằng được” đã khiến cho lượng học sinh dự tuyển vào giáo dục đại học ngày càng nhiều, lượng học sinh dự tuyển vào GDNN ngày càng giảm (tính theo tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT). Điều đó dẫn tới tình trạng ngành thừa, ngành thiếu, gây lãng phí cho xã hội và khó khăn cho người học tốt nghiệp mà không xin được việc làm.
Ví dụ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên. Nhiều đại biểu đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) dẫn số liệu báo cáo thừa cục bộ gần 10.200 giáo viên và thiếu trên 94.700 giáo viên. Ông nêu giả sử, nếu có thể sắp xếp được số giáo viên thừa thì vẫn còn thiếu khoảng 84.000.
Để khắc phục thực trạng này, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực một cách khoa học và giao chỉ tiêu hợp lý cho các cơ sở đào tạo. Với dự báo nguồn nhân lực, Chính phủ có thể chỉ đạo, giám sát Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo hợp lý về năng lực, đặc điểm vùng miền…
Riêng với đào tạo đội ngũ giáo viên thì hoàn toàn có thể làm được. Với các ngành nghề trong sản xuất, dịch vụ cũng có thể tương ứng với nhu cầu của sản xuất và đời sống, phù hợp với sự phát triển của sản xuất.
Làm tốt xuất khẩu lao động có tay nghề
Một trong những hướng có thể làm tốt phân luồng học sinh vào GDNN chính là hoạt động xuất khẩu lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể chỉ đạo bộ phận chức năng lập kế hoạch các khu vực, các ngành nghề, yêu cầu về năng lực hành nghề, phẩm chất nghề của các nước tuyển lao động. Điều này nhằm phân bổ chỉ tiêu cho các cơ sở GDNN phù hợp.
Nếu thực hiện tốt việc tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, có lẽ sẽ thu hút không nhỏ lượng học sinh thi tuyển vào các cơ sở GDNN.