Giáo dục lịch sử địa phương qua bài giảng thông minh

Đăng Chung (thực hiện) | 05/04/2023, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lần đầu tiên, ngành Giáo dục Bắc Ninh tổ chức dạy học môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với các điểm di tích lịch sử.

Giáo dục địa phương lớp 10 là một hoạt động giáo dục mới. Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, hướng hình thức dạy học qua kết nối di sản hoặc kết nối một điểm di tích lịch sử để học sinh được trải nghiệm cùng với bài giảng sẽ tạo hứng thú cho học sinh trong việc học.

Sở GD&ĐT giao Trường THPT Lương Tài dạy thử nghiệm tiết đầu tiên. Trường đã chọn Văn miếu Bắc Ninh – một điểm cách trường khá xa, học sinh ít có điều kiện đến thực tế, trải nghiệm. Để triển khai bài giảng, Trường THPT Lương Tài đã xây dựng giáo án cụ thể với nội dung, thời gian, cách thức triển khai… đảm bảo khi kết nối thực hiện được mục tiêu giáo dục, giờ dạy. Điểm mới so với bài giảng thông thường là có kết nối trực tiếp tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, bài giảng cũng còn hạn chế khi kết nối là một chiều qua trực tuyến nhưng chưa có sự tương tác.

Thời gian tới, những bộ môn khác như trải nghiệm hướng nghiệp có thể triển khai mô hình này. Trường THPT Lương Tài đã đề xuất Sở Văn hóa hỗ trợ về hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ để học sinh có thể hỏi đáp tương tác trực tiếp với hướng dẫn viên du lịch.

Giáo dục lịch sử địa phương qua bài giảng thông minh ảnh 3

Học sinh Trường THPT Lương Tài thăm quan di tích đền thờ thầy Chu Văn An. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Anh - Giáo viên Trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh: Học sinh hào hứng với môn học

Bài Văn miếu Bắc Ninh chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tiên giới thiệu cảnh quan của văn miếu, đến phần này giáo viên kết nối để học sinh xem sau đó tự vẽ lại sơ đồ văn miếu và điểm đặc biệt của di tích. Đến giai đoạn những cổ vật của văn miếu thì hướng dẫn viên lại giới thiệu các bia đá cổ vật quý nhất. Sau khi xem xong, học sinh sẽ tóm tắt lại bài và ý nghĩa của Văn miếu Bắc Ninh.

Để chuẩn bị cho bài giảng, chúng tôi có thể kết nối tiết học qua Zalo nhưng trước đó, nhà trường và khu di tích đã có những kết nối ban đầu. Nhà trường cũng có phương án dự phòng để khi đường truyền bị trục trặc thì phát wifi từ điện thoại thông minh để vẫn giữ được kết nối bình thường.

Tại điểm cầu Văn miếu Bắc Ninh, hướng dẫn viên sử dụng điện thoại để phát trực tiếp kết nối với bài giảng của nhà trường. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để thực hiện tiết học này là phải có điện thoại thông minh kết nối mạng Intenet. Trong 45 phút học chính thức, học sinh có 10 phút thực hiện kết nối với hướng dẫn viên. Từ tiết học, học sinh chia sẻ về bài học rất hứng thú vì được tận mắt chứng kiến di tích lịch sử của quê hương, trong đó có nhiều điểm chưa có điều kiện tham quan. Qua các bài giảng thông minh, học sinh thấy quê mình có rất nhiều di tích lịch sử đẹp để thêm yêu quê hương, đất nước.

Thầy Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh: Không khó khi triển khai

Giáo dục lịch sử địa phương qua bài giảng thông minh ảnh 4

Trường THPT Thuận Thành số 1 đang xây dựng kế hoạch và định hướng giảng dạy theo văn bản của liên Sở (Sở GD&ĐT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Huyện Thuận Thành có các cụm di tích, di tích lịch sử để giới thiệu cho học sinh thông qua bài giảng của hoạt động giáo dục địa phương như: Chùa Dâu, lăng và đền Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, múa rối nước ở Đồng Ngư…

Các phòng học của trường được trang bị hệ thống máy chiếu, mic, loa và có kết nối wifi để có thể sẵn sàng triển khai giảng dạy học môn Giáo dục địa phương thông qua kết nối trực tuyến với các điểm di tích lịch sử, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh: Bảo đảm điều kiện để nhân rộng mô hình

Giáo dục lịch sử địa phương qua bài giảng thông minh ảnh 5

Tiết học Giáo dục lịch sử địa phương của học sinh Trường THPT Lương Tài với bài giảng Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh: NTCC

Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị tốt việc phân công nhiệm vụ, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tại các điểm di tích lịch sử, thiết chế văn hóa để triển khai thực hiện mô hình giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh. Việc phối hợp triển khai dạy thí điểm tại Trường THPT Lương Tài đã đạt được những mục tiêu nhất định như truyền tải được những giá trị cơ bản nhất của di tích lịch sử đối với học sinh; tạo hứng thú cho học sinh thông qua việc đánh giá tổ chức thực hiện. Thời gian tới, Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục Bắc Ninh để nhân rộng ra các trường THPT, quảng bá di tích lịch sử địa phương.

Đổi mới hình thức giảng dạy môn Giáo dục địa phương là một trong những việc cụ thể hóa việc phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mục tiêu là giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh thông qua di tích, văn hóa tiêu biểu trên địa bàn nhằm lan tỏa cách làm hay, đồng thời thành lập các câu lạc bộ em yêu lịch sử tại các nhà trường. Từ đó tổ chức rút kinh nghiệm làm cơ sở nhân ra diện rộng.

Trang bị tri thức và bảo tồn giá trị văn hóa

Đối với cấp trung học, nội dung môn Giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu giáo dục của mỗi tỉnh. Bộ tài liệu có vị trí như sách giáo khoa với nội dung về giáo dục địa phương thuộc 7 lĩnh vực (văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp). Tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc theo nhóm chủ đề.

Bắc Ninh là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, với bề dày văn hóa và di sản có giá trị. Trong công cuộc đổi mới đất nước, với vị trí thuận lợi, Bắc Ninh đã vươn mình phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.

Việc đưa tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Bắc Ninh vào giảng dạy sẽ giúp học sinh hiểu sâu về lịch sử, thêm yêu và tự hào về giá trị của quê hương Kinh Bắc hiếu học. Đồng thời, rèn được cho mình những kĩ năng thích ứng với điều kiện mới, để vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa quê hương vừa có tri thức và năng lực xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp. - Cô giáo Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-lich-su-dia-phuong-qua-bai-giang-thong-minh-post632697.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-lich-su-dia-phuong-qua-bai-giang-thong-minh-post632697.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục lịch sử địa phương qua bài giảng thông minh