Sau 2 năm triển khai chương trình và thiết lập bộ quy tắc thực hành xanh, các trường có thể nộp hồ sơ xét trao giải thưởng “Cờ xanh” (Green Flag). Giải thưởng được quốc tế công nhận nhằm ghi nhận những trường học đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự bền vững. Giải thưởng cũng là minh chứng về sự nỗ lực của các trường trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
Để triển khai 7 bước và 12 chủ đề, các trường học sinh thái sáng tạo rất nhiều hoạt động dạy học và trải nghiệm khác nhau. Trường THCS Thomas A Becket, Vương quốc Anh vừa giành giải thưởng “Cờ xanh” năm 2023 - 2024.
Bà Michelle Mayes, điều phối viên chương trình trường học sinh thái nhà trường, cho biết các hoạt động giáo dục sinh thái trong nhà trường tương đối đa dạng. Hồi tháng 7 vừa qua, học sinh được đi thăm trang trại nhím và tìm hiểu về lối sống của loài nhím. Tại trường, các em học cách ấp trứng và chăm sóc gà con. Qua đó, học sinh có thể tìm hiểu về vòng đời cũng như quá trình trứng phát triển thành gà con.
Nhà trường cũng tổ chức “Tuần lễ đi bộ đến trường”, trong đó khuyến khích học sinh đi bộ đi học thay vì sử dụng phương tiện giao thông để giảm phát khí thải. Nhà trường cũng mời diễn giả là các chuyên gia về môi trường, thực vật học, động vật học... đến trò chuyện với học sinh.
Bên cạnh đó, học sinh có thể tự làm gạch sinh thái, tái chế đồ bỏ đi, làm băng rôn, áp phích tuyên truyền về bảo vệ hệ sinh thái, trải nghiệm một ngày làm công nhân vệ sinh thành phố... Những hoạt động trên đều nhằm tạo cơ hội cho học sinh thực hành các hoạt động bảo vệ và duy trì tính bền vững của hệ sinh thái.
Học sinh học về phân loại và tái chế rác thải. |
Hiện nay, hơn 80 quốc gia đã thành lập hơn 60.000 trường học sinh thái. Riêng tại Đông Nam Á, mô hình này có mặt tại hầu hết quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Tại Việt Nam, cách tiếp cận trường học xanh phổ biến là thực hiện chương trình học “Xanh – Sạch – Đẹp”.
Tại Malaysia, đánh giá hệ thống trường học là nền tảng lý tưởng để thúc đẩy sự thay đổi và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, từ năm 2011, Bộ Giáo dục đã công nhận chương trình trường học sinh thái và cho phép các trường phổ thông tham gia vào chương trình này.
Học sinh Malaysia sẽ trau dồi kiến thức về các vấn đề môi trường và cuộc sống bền vững thông qua bài học về tái chế, bảo tồn năng lượng, giảm lượng khí thải carbon. Học sinh được khuyến khích áp dụng kiến thức trên vào cuộc sống hàng ngày và tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng.
Một trong những mục tiêu chính của trường học sinh thái Malaysia là khuyến khích các nhà trường giảm lượng khí thải carbon thông qua giảm tiêu thụ năng lượng và phát sinh chất thải, cũng như thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Các trường học cũng được khuyến khích áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường như sử dụng vật liệu phân huỷ sinh học và giảm sử dụng nhựa.
Học sinh tìm hiểu về thảm thực vật. |
Theo phân tích của Quỹ tăng trưởng Xanh châu Á, mô hình trường học sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, trường học và cộng đồng tại Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Khi tham gia chương trình, học sinh học được các kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo. Các em cũng nhận thức tốt hơn về các vấn đề môi trường và lối sống bền vững.
Các trường học tham gia chương trình có thể giảm chi phí năng lượng và phát sinh chất thải, cải thiện hiệu quả môi trường. Họ có cơ hội tham gia mạng lưới trường học có chung quan điểm và chia sẻ những phương pháp xây dựng môi trường bền vững.
Về phía cộng đồng, họ được nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái. Thông qua việc hợp tác với trường học và học sinh, cộng đồng có thể xây dựng một tương lai bền vững hơn cho chính họ và thế hệ tương lai.
“Nhìn chung, trường học sinh thái là ví dụ nổi bật về cách giáo dục giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự thay đổi từ cấp cơ sở. Bằng cách giáo dục giới trẻ về bảo tồn thiên nhiên và khuyến khích họ hành động, trường học sinh thái đang giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn cho khu vực Đông Nam Á và thế giới”, báo cáo của Quỹ tăng trưởng Xanh châu Á kết luận.
Trường học sinh thái đầu tiên ra mắt vào năm 1992 tại Đan Mạch với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu. Đến năm 2003, mô hình trường học sinh thái được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đánh giá là sáng kiến kiểu mẫu cho giáo dục vì sự phát triển bền vững.