Giáo dục nghề nghiệp: Lối mở vào đời cho học sinh ở vùng cao Sa Pa

Thuỳ Anh | 16/05/2022, 10:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục nghề nghiệp được coi là lối đi mới cho nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS. Định hướng khởi nghiệp sớm hơn đã góp phần tiết kiệm cả thời gian và tài chính của mỗi gia đình học sinh.

Một buổi tư vấn tuyển sinh học sinh THCS tại  TT GDNN-GDTX Sa Pa (Lào Cai) - Ảnh Đ.HMột buổi tư vấn tuyển sinh học sinh THCS tại TT GDNN-GDTX Sa Pa (Lào Cai) - Ảnh Đ.H

Thay đổi tư duy...

Đầu tháng 5/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp tới các trường học, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có tuyển sinh THPT và định hướng nghề nghiệp sau THCS.

Theo đó, các TTGDNN-GDTX không bị giao chỉ tiêu tuyển sinh như những năm trước. Họ hoàn toàn tự chủ trong việc phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đa dạng hoá đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế tại địa bàn. Theo kế hoạch trên, các TTGDNN-GDTX sẽ bắt đầu nhận hồ sơ trong thời gian từ tháng 6 - 8/2022.

Từ tháng 3, TTGDNN-GDTX thị xã Sa Pa đã phối hợp với phòng giáo dục địa phương lên kế hoạch, thành lập hội đồng tuyển sinh. Hai bên đã tổ chức 13 buổi tuyên truyền, tuyển sinh tại các trường THCS, PTDT bán trú và UBND các xã, phường. Đã có khoảng 1.600 học sinh được cung cấp thông tin và tư vấn.

Dù nằm tại địa bàn phát triển mạnh về du lịch, song công tác tuyển sinh ở đây cũng đang gặp khó.

Ông Nguyễn Đắc Hoàng – Giám đốc TTGDNN-GDTX thị xã Sa Pa chia sẻ: “Phần lớn người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, việc định hướng nghề nghiệp cho con em còn hạn chế. Chúng tôi đã phải kết hợp cùng các trường THCS tư vấn, định hướng, phân luồng cho các em ngay từ khi bước vào lớp 9. Từ đó, giúp các em lựa chọn nghề nghiệp theo điều kiện và năng lực của bản thân”.

Cô Nguyễn Thị Liễu - Giáo viên phòng GDNN chia sẻ: “Khi đi tư vấn tuyển sinh, khó khăn duy nhất chúng tôi gặp phải, chính là nhận thức của phụ huynh. Nhiều người có quan điểm rằng con họ chỉ cần biết chữ rồi về làm ruộng. Vì thế, chúng tôi phải dành nhiều thời gian hơn để vận động bà con cho con em mình theo học mô hình 2 trong 1 như thế này. Khi hiểu rồi, họ cũng hoàn toàn đồng ý”.

Anh Giàng A Trứ có con đang theo học tại TTGDNN-GDTX thị xã Sa Pa. Cả hai vợ chồng anh Trứ đều không biết chữ. Bởi vậy, ban đầu anh cũng chỉ mong các con hơn bố mẹ ở chỗ là biết chữ, sau đó đủ tuổi thì lấy chồng. Song, sau khi được phân tích, anh đã hiểu và thay đổi tư duy.

"Qua buổi tư vấn tuyển sinh vào học tại trung tâm GDNN-GDTX, mình biết con mình sau này sẽ có một cái nghề ổn định hơn, sẽ không còn vất vả như mình nữa. Học như thế này tiết kiệm cả thời gian và chi phí. Nhà mình nghèo, không có tiền cho con học cao lên đại học. Thầy cô ở đây nói thế, tức là sau khi học xong, con mình vừa có chứng chỉ học nghề để xin việc mà vẫn có bằng THPT. Sau này nó muốn học lên đại học thì vẫn có thể học tiếp”, anh Trứ nói.

Khởi nghiệp sớm...

Hiện nay, thị xã Sa Pa phát triển chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, nhà hàng khách sạn và du lịch. Do đó, nhu cầu lao động cũng đặc thù hơn các địa phương khác.

TTGDNN-SP-Thuc-hanh-pha-che-tai-nha-hang
Học sinh lớp pha chế thực hành tại một nhà hàng trên địa bàn TX Sa Pa (Lào Cai) - Ảnh Đ.H

“Chúng tôi đã phối hợp với một số đơn vị, linh hoạt thực hiện tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề. Chủ yếu tập trung vào những nghề: Hướng dẫn du lịch, lễ tân, pha chế, … để đảm bảo khi ra trường các em có việc làm ngay. Trong thời gian học tại trung tâm, các em vẫn được những cơ sở này nhận làm thêm vào ngày nghỉ, nếu có nhu cầu”, ông Hoàng chia sẻ thêm.

Trường hợp em Tẩn Lở Mẩy, học sinh lớp 11 - Hướng dẫn du lịch K20.7 là một điển hình. Mẩy vừa học, vừa xin đi làm thêm để có kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp. Thế nên, cùng lúc em vừa có kiến thức, vừa có thu nhập ổn định dù chưa thực sự cao.

“Các thầy cô ở trung tâm giới thiệu cho em nhiều chỗ để làm thêm. Em chọn được việc làm phục vụ và hướng dẫn viên du lịch cho một nhà hàng. Địa chỉ này gần nhà em lại phù hợp với nghề em đang học ở trung tâm. Đi làm sớm hơn, em có thu nhập nên đã có thể đỡ đần được bố mẹ”, Mẩy cho biết.

Dai-su-van-hoa-sa-pa
Hướng dẫn viên là người địa phương ở Sa Pa được du khách gọi là "đại sứ văn hoá" bởi trình độ tiếng Anh, hiểu biết văn hoá địa phương và sự thân thiện trong giao tiếp. Ảnh: T.H

Sa Pa đang ngày càng phát triển. Hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa hầu hết là người địa phương. Họ là con em đồng bào Mông, Dao, Giáy... Đã không ít du khách gọi họ là "đại sứ văn hoá" của Sa Pa bởi lòng hiếu khách, sự hiểu biết về văn hóa, tập quán bản địa và kỹ năng giao tiếp tốt. Cũng bởi lý do đó mà tỉnh Lào Cai đang chú trọng tới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Bài liên quan
Nhiều bất ngờ về chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 Hà Nội
Trước khi học sinh lớp 9 năm nay đăng ký dự tuyển vào các trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập, tư thục, trường chuyên. Chỉ tiêu tuyển sinh là dữ liệu rất quan trọng để học sinh tham khảo khi quyết định đăng ký nguyện vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục nghề nghiệp: Lối mở vào đời cho học sinh ở vùng cao Sa Pa