ThS Nguyễn Đức Linh - Phó Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sài Gòn cho biết, giáo dục nghệ thuật hiện nay được các trường quan tâm đặc biệt gồm hai ngành: Âm nhạc và Mỹ thuật. Hai môn học này cùng những môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất khác trong chương trình giáo dục THPT góp một phần vào mục tiêu giáo dục thời kỳ đổi mới của sự nghiệp giáo dục và bảo vệ đất nước. Đó là đào tạo những con người phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; vừa có đủ trí thức khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa có kỹ năng, bản lĩnh sống hội nhập với cộng đồng.
Tuy nhiên, bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật hiện chưa được coi trọng ở nhiều trường THPT. Giáo dục âm nhạc ở trường THPT đã triển khai nhưng phạm vi không rộng, nơi nào có điều kiện mới thực hiện.
Để phát triển toàn diện giáo dục nghệ thuật, nhất thiết phải có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp về kiến thức, kỹ năng. Song thực tế, các trường đang thiếu giáo viên trầm trọng. Chưa kể, đa số giáo viên giảng dạy chưa được trang bị đầy đủ về mặt lý luận, phương pháp thực hiện, kỹ thuật thiết kế bài giảng nâng cao mang tính hiện đại và kỹ năng quản lý, điều hành, diễn biến hoạt động của một tiết học.
Các giáo viên chưa được đào tạo bài bản về phương pháp dạy học tích cực tại một số trường sư phạm. Trong khi đó, thực tế chưa có phần mềm âm nhạc nào được Bộ GD&ĐT chính thức cho phép sử dụng trong chương trình. Giáo viên tự trang bị cho mình những kỹ năng sử dụng phần mềm âm nhạc du nhập từ nước ngoài và đa số không mua bản quyền. Do đó, khi tương tác sử dụng không ổn định.
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng thì nhìn nhận, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường còn nhiều hạn chế, vướng mắc, từ nhận thức đến giải pháp, chính sách. Để giáo dục nghệ thuật bài bản, cần nhấn mạnh vai trò chủ đạo của ngành Giáo dục, sự phối hợp giữa các ban ngành và tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có sự chủ động tham gia của các nguồn lực xã hội gồm đội ngũ văn nghệ sĩ và nhà khoa học, cơ sở giáo dục…
Qua quá trình tìm hiểu thực trạng dạy học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, tại một số trường học ở TPHCM, ThS Nguyễn Đức Linh kiến nghị: Bộ GD&ĐT nên thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật, cập nhật kiến thức, phong trào nghệ thuật mới trong và ngoài nước.
Các sở GD&ĐT cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ cho nhà trường để giảng dạy môn Nghệ thuật. Hằng năm, các sở nên tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về nghệ thuật và tập huấn cho giáo viên nắm bắt được những xu thế toàn cầu hóa. Ở các trường, ban giám hiệu nên tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có nhiều sân chơi nghệ thuật.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Hà, từ thuở bình minh nhân loại, nghệ thuật hình thành với nền tảng nghệ thuật vị nhân sinh, tức dùng nghệ thuật để góp phần xây dựng cuộc sống. Khổng Tử từng xếp Nhạc (một thể hiện của nghệ thuật cổ đại) sau Lễ trong Lục nghệ (Lễ, Nhạc, Xạ, Ngự, Thư, Số); coi Nhạc cũng là Lễ và lấy Lễ và Nhạc làm khuôn vàng thước ngọc để giáo hóa cá nhân và xã hội. Ở phương Tây, Pythagore thời cổ đại từng đánh giá nghệ thuật chính là công cụ cân bằng cuộc sống thông qua liệu pháp tinh thần.