Ví dụ, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam trong những năm gần đây, đã xây dựng chiến lược dài hạn, phát triển bóng rổ học đường tại các khu vực, địa phương trong phạm vi toàn quốc. Trong đó, huy động nhiều nguồn lực xã hội, đầu tư, hỗ trợ các nhà trường cả về cơ sở vật chất, chương trình, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng… để phát triển phong trào tập luyện bóng rổ.
Các hoạt động cụ thể này, một mặt đã hỗ trợ rất đắc lực cho các nhà trường trong việc phát triển phong trào tập luyện và thi đấu môn bóng rổ ở nhiều địa phương. Mặt khác, đã tạo ra hiệu ứng tốt, phát triển rộng khắp phong trào tập luyện bóng rổ cho học sinh, thanh, thiếu niên… ở một số tỉnh, thành phố. Qua đó, giúp các địa phương phát hiện và tìm kiếm được nhiều tài năng thể thao trong môn bóng rổ. Như vậy, có thể nói, đây là “một mũi tên trúng hai đích”.
Giúp trò phát huy thế mạnh
– Vậy về phía các nhà trường, có thể chủ động tìm kiếm nguồn lực nào để đẩy mạnh phong trào TDTT và các hoạt động GDTC cho học sinh, thưa ông?
- Đối với trung tâm thể thao, trung tâm dịch vụ thể thao… các nhà trường có thể phối hợp để tổ chức lớp học, câu lạc bộ thể thao theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh (có thể là môn thể thao mà nhà trường tổ chức giảng dạy theo chương trình GDTC, cũng có thể là môn thể thao theo sở thích của các em…) Qua đó, huy động chính nguồn lực từ gia đình học sinh để phát triển thể thao học đường, phát triển thể chất và thể lực cho học sinh.
- Vai trò GDTC cho thế hệ trẻ thường gắn với thể thao học đường, trong khi thời lượng môn GDTC chỉ 1 - 2 tiết/tuần. Theo ông, đâu là giải pháp chính để nâng cao thể chất cho học sinh và nâng cao vị thế môn GDTC trong trường học?
- Tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Trong đó lưu ý quán triệt tinh thần chung là: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục và ngành Y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn…
Cùng đó, các nguồn lực có thể tham gia hỗ trợ phong trào TDTT học đường như đã nêu ở trên, chỉ là hai trong số rất nhiều hình thức, cách thức khác nhau để huy động nguồn lực cho phát triển TDTT học đường. Vấn đề giáo dục nói chung và GDTC nói riêng không chỉ là trách nhiệm của các trường học, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Học sinh chính là tương lai của đất nước, sức khỏe, sự phát triển thể chất của học sinh chính là sự đại diện cho sức mạnh của quốc gia, của dân tộc ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, toàn xã hội cần chung tay, góp sức vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh cả về thể lực và trí lực.
– Trân trọng cảm ơn ông!