Giáo dục truyền thống yêu nước, văn hoá dân tộc đến học sinh

Trúc Hân | 28/04/2023, 16:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc.

Chiến tăng anh hùng

Xe tăng T59 số hiệu 377 thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297, Mặt trận Tây Nguyên, nay thuộc Quân đoàn 3. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, xe tăng 377 tham gia trận đánh Căn cứ E42 Tân Cảnh và Căn cứ Đăk Tô 2. Ngày 24/4/1972, xe tăng 377 cùng với 4 chiến sĩ trong kíp xe, gồm: Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển (Trung đội trưởng, Trưởng xe), Hạ sỹ Hoàng Văn Ái (Pháo thủ), Hạ sỹ Cao Trần Vịnh (Lái xe) và Hạ sỹ Nguyễn Đắc Lượng (Pháo thủ) đã anh dũng hy sinh, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch. Từ đó cùng với các lực lượng khác giải phóng hoàn toàn Đăk Tô - Tân Cảnh. Đây là chiếc xe tăng lập kỷ lục chiến đấu cao nhất trong một trận đánh của lực lượng Tăng - Thiết giáp.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, ngày 9/1/2009 kíp xe tăng 377 đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vào ngày 30/1/2023, xe tăng T59 số hiệu 377 vừa được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.

Hiện nay xe tăng 377 đang được lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô, Kon Tum). Riêng “Nắm cơm đã cháy thành than” - khẩu phần chưa kịp ăn của các chiến sĩ, cùng các di vật còn lại của kíp xe 377 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tăng - Thiết giáp.

Việc công nhận bảo vật Quốc gia có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, tỉnh Kon Tum. Đây là hiện vật quý, độc bản, có giá trị ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. Qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Giáo dục truyền thống yêu nước

Giáo dục truyền thống yêu nước, văn hoá dân tộc đến học sinh ảnh 1
Học sinh trường THCS Lương Thế Vinh tìm hiểu về văn hoá, lịch sử tại địa phương.

Ông Sa Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cho hay, trong những năm qua, để gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước và văn hoá dân tộc đơn vị giao cho Phòng GD&ĐT lồng ghép, giáo dục về chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và các bảo vật quốc gia của huyện đến nhà trường, học sinh. Đồng thời phối hợp với ban ngành, đoàn thể giáo dục truyền thống yêu nước cho thế các hệ như: chăm sóc các di tích, điểm tham quan…

Ngoài ra, đều đặn 2 năm/lần địa phương tổ chức Hội thi cồng chiêng – xoang để các thôn, làng, xã có cơ hội được giao lưu, biểu diễn văn hoá dân tộc. Đồng thời tổ chức lớp dạy cồng chiêng – xoang, dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ nhằm giáo dục các em yêu quý hơn nét đẹp của dân tộc mình.

Trong những năm qua, trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đăk Tô, Kon Tum) thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tưởng nhớ, biết ơn các anh hùng dân tộc. Vào dịp 30/4 và 1/5, nhà trường tổ chức cho học sinh dâng hoa và chào cờ tại Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Bên cạnh đó, học sinh được tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2023). Ngoài ra, tham quan tìm hiểu quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và Nhà rông văn hóa.

Thầy Ngô Đình Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ, thông qua những hoạt động này học sinh có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, thể hiện những tình cảm, truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và nhân dân huyện Đăk Tô. Qua đó, nhà trường muốn giáo dục học sinh phải biết và ghi nhớ công lao, sự hy sinh của cha ông ta để bảo vệ đất nước. Đồng thời để cho học sinh trải nghiệm thực tế sau những bài học về văn hoá, lịch sử trong SGK.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục truyền thống yêu nước, văn hoá dân tộc đến học sinh