GS Đỗ Đức Thái, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên chương trình môn Toán phổ thông, nêu lo ngại trên ở chương trình "Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018", ngày 10/4.
Ông Thái cho biết những năm qua, hầu hết địa phương chọn ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tuyển sinh lớp 10. Kỳ thi này rất khó khăn. Như tại Hà Nội, chỉ khoảng 60% học sinh đỗ vào trường công lập. Để cạnh tranh, theo ông, ngay từ đầu cấp THCS, cả gia đình, thầy trò phải dồn sức học gạo ba môn trên, dẫn tới bỏ qua các môn khác, như Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Đó cũng là lý do ít học sinh chọn môn Tự nhiên khi vào lớp 10 hay thi tốt nghiệp THPT. Điều này là nguyên nhân trực tiếp gây mất cân bằng cơ cấu đào tạo ở đại học, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực để đẩy mạnh mũi nhọn về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Thực tế, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, số thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) luôn thấp hơn bài Khoa học xã hội (Lịch sử, Đại lý, Giáo dục công dân). Như năm ngoái, trong hơn 1,07 triệu thí sinh thi tốt nghiệp, khoảng 37% lựa chọn tổ hợp này.
Ở bậc đại học, khối ngành Kinh doanh và Quản lý thu hút nhiều thí sinh nhập học nhất. Như năm ngoái, 25% thí sinh chọn khối này, trong khi tỷ lệ thí sinh nhập học ngành Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin lần lượt là 9 và 12%.
"Không có quốc gia nào với dân số quy mô 100 triệu dân có thể trở thành nước phát triển nếu chỉ tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, phi công nghệ", ông Thái nhìn nhận.
Giáo sư này cho rằng đây không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục mà là chuyện quốc gia đại sự, cần được nhìn nhận nghiêm túc, tránh để vấn đề trở nên trầm trọng hơn.