Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường cũng gặp một số khó khăn như: Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có không thể đáp ứng tất cả nhu cầu đa dạng về việc lựa chọn tổ hợp các môn học tự chọn của học sinh. Cơ sở vật chất của nhà trường vẫn cần bổ sung thêm thiết bị và phương tiện dạy học thực nghiệm ở môn Khoa học tự nhiên, Công nghệ.
Làm rõ hơn về những khó khăn khi thực hiện chương trình mới, cô Mai Thị Tình - Tổ trưởng chuyên môn tổ Sinh học - Thể dục cho biết: Chương trình tập huấn SGK mới chủ yếu là trực tuyến nên giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và giảng viên...
Việc tổ chức dạy học trên lớp theo phương pháp mới có những bỡ ngỡ nhất định. Nhiều thầy cô còn băn khoăn trong cách xây dựng ma trận, đề kiểm tra, đánh giá, về cấu trúc đề thi và nội dung đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.
Với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023, ở cấp THCS, các em học theo chương trình cũ, khi tiếp cận SGK gặp nhiều khó khăn về phương pháp học, cách ghi bài, làm bài, tự học, tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận. Học sinh cũng có bỡ ngỡ nhất định trong việc lựa chọn tổ hợp và băn khoăn; lo lắng về cách thức tuyển sinh sắp tới của trường đại học đối với học sinh theo học Chương trình GDPT 2018.
Cơ cấu đội ngũ cán bộ giáo viên chưa đồng bộ, khó có thể đáp ứng hết được các tổ hợp môn học lựa chọn của chương trình. Giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo chính quy.
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên môn Giáo dục thể chất được đào tạo chưa đúng chuyên ngành hẹp của các môn thể thao tự chọn theo Chương trình GDPT 2018 nên việc tổ chức giảng dạy nội dung thể thao tự chọn ít nhiều gặp khó khăn. Học sinh trong các lớp học không đồng nhất về sức khỏe, giới tính và khả năng phối hợp vận động.
Đoàn giám sát tìm hiểu những thông tin về việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới. |
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đại diện lãnh đạo nhà trường nêu một số đề xuất: Đề nghị thành phố Hà Nội đầu tư thêm kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ đảm bảo cho việc dạy học trực tiếp và trực tuyến tại các lớp.
Các trường cần được giao quyền chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn giáo viên một cách hợp lý, phù hợp với việc lựa chọn môn học của học sinh theo từng năm học. Tài liệu Giáo dục địa phương cần có bản in để giáo viên và học sinh chủ động trong công tác giảng dạy theo kế hoạch. Các cuốn sách giáo khoa, sách bài tập, chuyên đề học tập được thiết kế để cho có thể tái sử dụng, tránh lãng phí.
Kết luận buổi làm việc, ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà trường, tâm huyết của thầy cô giáo, sự hào hứng của học sinh lớp 10 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những bất cập mà thầy cô phản ánh; kiến nghị của nhà trường sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu.
Ngày 10/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.
Các tổ công tác của Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy); PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng); THPT Kim Liên (quận Đống Đa); Tiểu học, THCS, THPT Everest (quận Bắc Từ Liêm), THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (quận Cầu Giấy).