Kể thêm khó khăn khi về bản tuyên truyền, vận động học sinh trở lại lớp, cô Kiềng Thị Thời, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Leng Su Sìn, (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) chia sẻ: “Là người dân tộc Tày, nên tôi chỉ thạo tiếng phổ thông và tiếng dân tộc mình. Nhưng địa bàn tôi được phân công lại hầu hết là học sinh là con em người Hà Nhì và Mông. Đó cũng là trở ngại rất lớn đối với tôi”.
Để hiểu và chia sẻ được với hoàn cảnh của từng học sinh, cô Thời đã cố gắng học thêm tiếng Mông và Hà Nhì. Nhờ đó, việc dạy học cũng đạt hiệu quả.
Giáo viên đi từng nhà để vận động học sinh đến lớp. |
Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, cho biết: Do đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Mường Nhé thường có tập tục ăn tết dài ngày. Cùng với đó sau tết lại thường tổ chức các lễ hội nên bà con cũng cho con em nghỉ học vui lễ cùng gia đình.
Để đảm bảo chất lượng, số lượng học tập, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé đã phối hợp với các xã, đồn biên phòng trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động cho nhân dân vui chơi tết sớm hơn. Đồng thời, trong các hoạt động đều có lồng ghép nội dung thông tin kế hoạch giảng dạy, học tập để học sinh, phụ huynh chủ động nắm bắt.
Cũng theo thầy Phạm Thiết Chùy, với đặc thù của địa bàn biên giới thì giáo viên không đơn thuần chỉ làm nghề dạy học, mà họ còn như người cha, người mẹ của các em. Đơn cử như trường hợp học sinh nhỏ tuổi phải học xa trường, xa lớp; học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có bố mẹ, người thân ở gần hoặc học sinh có ý định lấy vợ, lấy chồng thì Ban giám hiệu các trường phải giao giáo viên chủ nhiệm chủ động nắm bắt cụ thể từng hoàn cảnh để kịp thời động viên, hỗ trợ.
Còn với số học sinh chưa đến trường, giáo viên cũng phải gặp gỡ gia đình, tìm hiểu nguyên nhân để có cách vận động phù hợp. “Cùng với việc giảng dạy trên lớp thì những ngày tới giáo viên toàn huyện sẽ tiếp tục về bản đưa học sinh trở lại trường”, thầy Chùy nói.
Nhờ có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ giáo viên các trường cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào vùng cao tại huyện Mường Nhé cũng đã quan tâm tới việc học của con em mình. Học sinh cũng hào hứng khi trở lại lớp học hơn trước. Do vậy, hai năm trở lại đây, tình trạng lớp học vắng bóng học trò sau mỗi đợt nghỉ Tết đã không kéo dài như trước.