Cũng theo cô Lan Anh, một điều quan trọng là thay đổi cách ra đề, kiểm tra đánh giá học sinh. Không nên nặng nề số liệu, kiến thức ghi nhớ, mà chỉ cần nhớ được những dấu mốc, sự kiện lịch sử quan trọng. Còn lại để các em có hiểu biết, nhận định, đánh giá được ý nghĩa những sự kiện, giai đoạn lịch sử. Như vậy sẽ khiến học sinh không e ngại, sợ Lịch sử nữa mà tiếp thu, học tập với tâm thế thoải mái hơn.
Không yêu cầu học sinh phải giỏi Lịch sử
Cô Hà Thị Thanh Nhàn là giáo viên đầu tiên của huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đây là niềm tự hào của ngành giáo dục vùng khó khăn này, nhưng cũng là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến của cô giáo Lịch sử.
Tốt nghiệp bằng ưu của ngôi trường đào tao giáo viên hàng đầu cả nước – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng cô chọn trở về quê hương Nghệ An, và lên công tác ở mảnh đất đặt Kilomet số 0 đường mòn Hồ Chí Minh.
Mặt bằng chung học sinh tại đây còn nhiều thiệt thòi, có nền tảng học lực không bằng vùng thuận lợi. Nhưng điều đó không làm giảm đi nhiệt huyết của cô giáo Lịch sử. Đây là môn học được đánh giá khó, khô khan, ít được học sinh yêu quý, nhưng ở đây, các em lại rất đam mê, yêu thích và học giỏi, là động lực lớn để cô quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất miền núi này.
Cô Nhàn tâm sự, Lịch sử vẫn được xem là môn phụ ở bậc THCS. Hoặc do không thường xuyên được chọn là môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nên việc đầu tư, quan tâm của học sinh với môn Lịch sử nói chung chưa nhiều. Thậm chí, khi cô lựa chọn đội tuyển thi HS giỏi huyện, tỉnh, nhiều phụ huynh “tính toán” không muốn con em mình theo Lịch sử. Thay vào đó, chọn những môn để có lợi trong thi vào lớp 10 sau này.
Đây là thực tế trong nhận thức của phụ huynh không chỉ tại Trường THCS Kỳ Sơn mà của nhiều trường học khác trên địa bàn toàn tỉnh mà không dễ gì thay đổi. Giáo viên phải chấp nhận để có hướng tiếp cận học sinh phù hợp. Ngoài dạy học trên lớp thì tích hợp lịch sử trong các môn học khác như Ngữ văn, GDCD, Địa lý. Tổ chức giáo dục về nguồn, trải nghiệm tại di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cách mạng...
Cô Nhàn đã làm được điều đặc biệt là thu hút vào đội tuyển học sinh giỏi sử vì đam mê dù định hướng không theo khối C. “Bên cạnh đó, nhiều học sinh vẫn theo cô, theo lịch sử chỉ do yêu thích, chứ chưa phải đã giỏi. Điều đó khiến tôi xúc động và cảm ơn học sinh của mình rất nhiều”, cô Nhàn chia sẻ.
Theo cô Nhàn, cô không yêu cầu học sinh phải giỏi Lịch sử, cũng không cần nhớ nhiều lịch sử. Ngay cả SGK cũng chỉ là tài liệu học tập, và không thể chứa đựng hết toàn bộ lịch sử trong đó. Nhưng các em có kiến thức cơ bản, biết yêu lịch sử, biết trân trọng quá khứ là đáng ghi nhận và khuyến khích.
Đối với giáo dục THCS, quan trọng là giáo viên truyền cảm hứng, tình yêu lịch sử, và phương pháp học tập, tìm hiểu kiến thức. Việc ghi nhớ, rồi quên, hoặc nhầm lẫn sự kiện là điều bình thường kể cả với học sinh giỏi. Nhưng có phương pháp và nền tảng nhận thức, sau này khi học lên lớp, bậc học cao hơn, gặp vấn đề liên quan đến lịch sử, các em sẽ biết tìm kiếm, tìm hiểu đúng kiến thức trong sách báo, nhiều nguồn tài liệu khác.