Ngày nào cũng vậy, từ 6h30 sáng, cô Lan Anh (SN 1998, Sơn La) - một giáo viên mầm non công lập, đã phải có mặt ở trường để dọn dẹp lớp học, chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng đón trẻ vào lớp. Cả một ngày cô giáo Lan Anh cứ luôn tay, luôn chân với các công việc như: Cho trẻ ăn sáng, tập thể dục, vệ sinh, dạy học, cho trẻ ăn trưa, cho trẻ đi ngủ, trẻ dậy thì cho ăn bữa ăn chiều, tổ chức các hoạt động, trò chơi... Đến 5, 6 giờ chiều, khi đã trả hết trẻ, cô giáo trẻ này mới hoàn thành công việc để về nhà. Những công việc đó cứ lặp đi lặp lại, ngày nào cũng vậy, tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế vất vả vô cùng.
Mỗi lớp cô Lan Anh đảm nhận có từ từ 25 - 30 trẻ, mỗi trẻ mang một tính cách khác nhau nên cô gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc các bé. Nhiều bé mới đi học, chưa quen trường quen lớp, khóc nguyên cả tháng trời, các cô lúc nào cũng phải giữ khư khư bên mình. Rồi có bé lười ăn, các cô cũng phải chia nhau ra chăm bẵm vì sợ trẻ đói.
Vì còn nhỏ, tính cách hiếu động nên nhiều em còn thường xuyên có mâu thuẫn, cào cấu nhau rồi có những vết xước trên mặt. Đây là lúc cô Lan Anh cảm thấy lo lắng nhất vì sợ phụ huynh hiểu nhầm rằng bản thân lơ là, thiếu sát sao với trẻ. Nếu phụ huynh thấu hiểu cho còn đỡ, nhưng những phụ huynh làm ầm nên thì cũng “không biết thế nào, chỉ biết giải thích thôi”.
“Khổ cái chúng tôi dù cố gắng lắm nhưng không thể nào bao quát được tất cả học sinh cùng lúc được. Nhiều lúc tôi vừa nhắc nhở các con phải ngoan ngoãn, không được gây gổ với nhau, quay đi một cái là hai con đã lao vào chọc ghẹo nhau rồi.
Nhiều gia đình trông một con còn kêu lên kêu xuống, huống chi chúng tôi còn có hẳn 30 người con thì khó khăn thế nào. Thật sự không yêu nghề thì chúng tôi không thể bám trụ nổi”.
Làm công việc “cô nuôi dạy hổ” không phải là điều dễ dàng, nhưng đằng sau những khó khăn nho nhỏ, các cô cũng nhìn thấy những niềm vui to to. Có thâm niên 29 năm trong nghề, cô Nga - giáo viên mầm non tại một trường công lập, thay vì được gọi là “cô giáo” như thông thường, thì cô lại được mọi người yêu mến với danh xưng “bà giáo”. Bởi lẽ có nhiều trường hợp, cô Nga dạy từ đời bố, đến đời con:
“Nhiều học sinh cũ của tôi ngày xưa, giờ đã lớn tướng có vợ có con rồi, không chỉ dạy từ đời bố mẹ mà tôi còn dạy cả đến đời con luôn. Đi ngoài được gặp tôi là các em lại ‘con chào bà giáo ạ’. Lúc đấy vui lắm, vui là vì mình đã cống hiến với nghề suốt mấy thập kỷ. Nghe oai thật, từ đời bố kéo ra tận đời con cơ mà.
Rồi nhiều lúc học sinh cũ đến đón con từ trường về, thỉnh thoảng cô trò lại ngồi nói chuyện với nhau. Tôi lại ngồi kể chuyện ngày xưa, tôi yêu thương ‘thằng bố’ nó như thế nào, ‘thằng bố’ của nó lười ăn ra làm sao”.
Niềm vui của những cô giáo mầm non có kinh nghiệm lâu năm là được chứng kiến được biết bao thế hệ học trò trưởng thành, còn những cô giáo mới vào nghề thì cảm giác làm mẹ của một đàn con khiến các cô hạnh phúc.
Cô Lan Anh kể lại nhiều học sinh thương yêu còn gọi cô là mẹ, hôm nào không đi học là lại khóc òa lên nói nhớ mẹ Lan Anh. Làm cô giáo mầm non, dù đôi khi mệt mỏi, dù đôi khi các con không ngoan ngoãn nghe lời thì cô vẫn cảm thấy thật hạnh phúc khi được chăm sóc các con. Có lẽ những điều đơn giản nhất là được nhìn thấy các con khỏe mạnh cười đùa cũng khiến cô Lan Anh ấm áp hơn bội phần:
“Nghề giáo viên mầm non chưa bao giờ là nghề nhàn nhã, chúng tôi luôn phải đối mặt với vô vàn những áp lực. Áp lực trong quá trình trông trẻ, trẻ có thể bị ngã, trẻ mâu thuẫn, trẻ gào khóc, trẻ ương bướng… Nhưng đây cũng là nghề hạnh phúc. Hạnh phúc là được lắng nghe một câu nói đơn giản của các con mà vui cả ngày: ‘Con yêu cô lắm. Con thích đi học lắm ạ!’”.
Ảnh minh họa
Hạnh phúc là vậy nhưng từ sâu trong tâm khảm, các cô vẫn luôn đau đáu một khát khao được công nhận, được mọi người thấu hiểu hơn. Cô An trải lòng, có thể đôi khi các cô sơ suất, chưa kịp thay quần khi trẻ tè dầm, mải trông bạn này để hai bạn giằng nhau…. Những sơ suất nhỏ như vậy, giáo viên rất mong các bậc phụ huynh hãy thông cảm vì cô phải san sẻ tình yêu của mình bằng nhau cho tất cả những học sinh trong lớp.
Nhiều trẻ không muốn đi học, với tính cách và tâm sinh lý lứa tuổi, các em hay nói dối rằng có vấn đề gì đó ở trường, hay đôi khi khả năng diễn đạt của trẻ chưa hoàn thiện nên có thể có những vấn đề nói không rõ ràng khiến bố mẹ hiểu sai. Phụ huynh lúc này hãy bình tĩnh hỏi chuyện con và quan sát trước khi bạn muốn lên tiếng nói chuyện với cô.
Và cuối cùng đừng phó mặc cho cô giáo, đừng cái gì cũng nói “thôi để lên lớp cho cô giáo làm” từ ăn sáng, buộc tóc, đánh răng rửa mặt, cho các con đi vệ sinh, thay bỉm… Các cô cũng chỉ có ngần ấy thời gian, ngần ấy thời gian nên không thể cáng đáng được tất cả, rồi cứ “trăm dâu đổ đầu tằm”. Nếu trong lớp có 20 - 30 trẻ mà phụ huynh nào cũng phó mặc cho cô, thì cô cũng khó hoàn thành tốt. Dù trường tốt đến đâu, vai trò và giáo dục gia đình cũng vô cùng quan trọng. Vậy nên cha mẹ hãy phối hợp với các cô, việc dạy trẻ trên lớp cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.