Giáo viên nói gì về Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT?

06/01/2024, 10:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT được nhiều giáo viên nhận định có nhiều điểm mới, đánh giá năng lực học sinh rõ nét, chính xác hơn. Tuy nhiên, việc đưa 2 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới chưa thuyết phục và tăng tỉ lệ may rủi cho học sinh.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ đã nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở và yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh. Đề thi từ năm 2025 cũng thay đổi hình thức, cấu trúc, định dạng nhằm phù hợp với định hướng đánh giá năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thử làm một so sánh, xác suất ngẫu nhiên để lấy tối đa 1/1 điểm ở dạng cũ là 0,39% trong khi ở dạng đúng/sai là 6,2% (tăng 16 lần). Xác suất ngẫu nhiên để lấy 0/1 điểm ở dạng cũ là 31,6% trong khi ở dạng đúng/sai là 6,25% (giảm 5 lần). Điều đó có nghĩa là dạng câu hỏi đúng/sai sẽ làm tăng khả năng lấy điểm của thí sinh lên quá cao khi các em chọn ngẫu nhiên.

Thầy Hà cũng chỉ ra, một vấn đề nữa là quy định cho điểm câu hỏi đúng/sai, nếu thí sinh làm được 3 ý được tính 0,5 điểm và 4 ý được 1,0 điểm là ổn. Bởi vì 3 câu hỏi dễ thí sinh có thể “ăn điểm” nhưng với ý 4, câu hỏi khó nhưng nếu các em không làm được có thể chọn ngẫu nhiên và 50% đạt 0,5 điểm là yếu tố may rủi có cơ hội cực lớn. “Do đó, Bộ GD&ĐT cần bỏ dạng thức câu hỏi đúng/sai hoặc giảm số điểm câu hỏi dạng này từ 1,0 điểm xuống 0,5 điểm”, thầy Hà góp ý.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy bộ môn Toán ở Hà Nội, phân tích đề minh họa có nhiều điểm tích cực lẫn hạn chế. Trong đó, cấu trúc 3 dạng thức phù hợp với các đánh giá đang được triển khai trên thế giới. Theo thầy Tùng, dù các năng lực chưa được “cài cắm” hết song 3 năng lực cơ bản được thể hiện rất rõ là năng lực tư duy, lập luận toán học, năng lực giải quyết vấn đề... “Đề kiểu này có thể đánh giá, phân loại học sinh chính xác hơn và vì thế vẫn có thể là một căn cứ để các trường ĐH dùng để tuyển sinh”, thầy Tùng nói.

Tuy nhiên, thầy Tùng cũng cho rằng, dù lứa thí sinh thi chương trình mới vào năm 2025 nhưng Bộ GD&ĐT cần giới thiệu cả ma trận và bảng đặc tả để giáo viên làm cơ sở để xây dựng các đề thi khác. Ngoài ra, Bộ cũng cần tăng các bài toán có yếu tố thực tế bởi vì chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao tính ứng dụng của toán học.

Đối với học sinh, để làm được dạng đề mới, thầy Tùng khuyên, phải học thực chất, không học vẹt, học đối phó, đồng thời luôn tìm hiểu nguồn gốc vấn đề, mở rộng, tổng quát hóa sẽ giúp các em có bức tranh toàn diện về một vấn đề. “Và một điều quan trọng nữa là học sinh cần rèn luyện kỹ năng tính toán tốt ngay trong quá trình học, làm bài tập, làm bài kiểm tra tại lớp; rút ra những kinh nghiệm để cải thiện cho bản thân”, thầy nói.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/giao-vien-noi-gi-ve-de-minh-hoa-thi-tot-nghiep-thpt-cua-bo-gddt-c216a1533385.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/giao-vien-noi-gi-ve-de-minh-hoa-thi-tot-nghiep-thpt-cua-bo-gddt-c216a1533385.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên nói gì về Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT?