Bên cạnh đó, việc đa dạng các hình thức kiểm tra như: Làm dự án, Quay video clip, Vẽ tranh, sáng tạo các sản phẩm CNTT, thuyết trình, sáng tác nghệ thuật,... sẽ vô tình thúc đẩy kĩ năng mềm và tư duy sáng tạo cho học sinh. Trong đó, phải kể đến kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giải quyết vấn đề và kĩ năng ứng dụng CNTT vào thực tế cuộc sống là một điểm sáng chói lọi cho hình thức này. Học sinh qua mỗi bài kiểm tra sẽ không ngừng nâng cao kĩ năng sống và phương pháp tư duy cho chính mình,...
Đặc biệt, việc đa dạng các hình thức kiểm tra cũng là để nâng cao kĩ năng sư phạm của người thầy. Để tạo ra được các yêu cầu về kĩ năng trong sản phẩm của học sinh, người thầy cần làm mới chính mình, đổi mới tư duy chính mình, tiếp cận và năng động với công nghệ thời đại mới để có thể đáp ứng được những yêu cầu cần đạt trong kiểm tra đánh giá thông qua các hình thức khác nhau.
Cùng với đó là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục. Các đơn vị không ngừng cải tiến các hình thức kiểm tra theo hướng đa dạng hóa sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt phụ huynh và học sinh. Đây cũng là phương pháp quảng bá học hiệu của đơn vị mình, tăng sự cạnh tranh trong các kì tuyển sinh đầu cấp cho nhà trường. Trường học càng năng động thì tất yếu học sinh càng tích cực.
- Vậy đâu là những khó khăn trở ngại trong quá trình thực hiện, thưa thầy?
Bên cạnh những hiệu quả, bản thân tôi cũng có những trăn trở khi thực hiện đa dạng các hình thức trong kiểm tra đánh giá. Có thể xem, đó cũng là những khó khăn, những trở ngại trong quá trình thực hiện công tác này.
Thứ nhất, gây mất thời gian, tốn nhiều công sức của học sinh. Nếu trong cùng một đợt kiểm tra, bộ môn nào cũng yêu cầu học sinh làm sản phẩm tạo sản phẩm để đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá thì như thế chẳng những không giảm tải áp lực mà còn đè thêm gánh nặng cho các em. Mặc khác rất dễ gây mất công bằng trong đánh giá, xếp loại học sinh. Khi đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá, thì chắc chắn cần phải tổ chức cho học sinh làm việc nhóm. Như vậy, nếu không có phương pháp đánh giá phù hợp thì sẽ rất dễ “đánh tráo sản phẩm”, “đánh giá nhầm” khả năng của từng em trong nhóm.
Ngoài ra, hình thức mới này cũng dễ xảy ra những góc nhìn tiêu cực nếu lựa chọn các phương pháp kiểm tra, đánh giá không phù hợp với đặc thù môn học và bài học. Tiêu cực ở đây chính là nói đến việc tạo ra sản phẩm không phù hợp với năng lực của học sinh, với yêu cầu cần đạt của đơn vị bài, với đặc thù của môn học. Đặc biệt, không nên hiểu lầm phải đa dạng tất cả các hình thức kiểm tra. Không phải bài kiểm tra nào tạo được sản phẩm học tập cũng là hay. Tất nhiên, phương pháp kiểm tra giấy vẫn là phương pháp tối ưu. Do đó, cần phải cân nhắc hình thức kiểm tra sao cho phù hợp với đặc thù từng đơn vị bài học hoặc cụm chuyên đề.
Cuối cùng là phải khai thác tối đa những lợi ích thiết thực cho người học qua các lần thay đổi hình thức kiểm tra. Mỗi lần tạo sản phẩm học tập dù là gì đi nữa cũng sẽ rất mất công trong việc thiết kế và vận hành của cả người học và người dạy. Do đó, người thầy cần cân nhắc, khéo léo tạo nên các hình thức kiểm tra sao cho khai thác hết tiềm năng của người học sinh.
“Việc tạo sản phẩm trong kiểm tra đánh giá phải được kế hoạch từ phía Ban giám hiệu Nhà trường để luân phiên ở mỗi kì kiểm tra có từ một đến hai bộ môn áp dụng. Ngoài ra, việc sản phẩm nhóm nhưng chấm điểm cá nhân dựa trên từng sản phẩm nhỏ của chính học sinh góp lại tạo thành trong nhóm thì người thầy phải có bảng kiểm, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cụ thể, xác đáng, logic và khoa học. Bảng kiểm, tiêu chí phải được công bố trước khi quá trình kiểm tra, đánh giá bắt đầu”, thầy Nghĩa nhấn mạnh.