Tôi về Trường THPT Đa Phước công tác đã 10 năm. Tôi bắt đầu phụ trách quản lý thư viện trường từ năm 2019.
Thấm thoát năm học 2024 – 2025 đã trôi qua được nửa chặng đường, chẳng mấy chốc phượng vĩ sẽ tiếp tục đốt lửa đỏ rực khắp sân trường. Thầy cô lại sắp cập bến đưa một chuyến đò qua sông.
Tháng cuối năm cũng là tháng cuối học kỳ một của năm học, tôi kiểm kê sách lòng chợt nhớ đến em. Cô học trò Phạm Nguyễn Quỳnh Trang có dáng người nhỏ nhắn mới năm nào còn tung tăng nói cười quanh tôi nay đã ra trường được 4 năm. Hồi đó, cứ vào giờ ra chơi, em sẽ lên thư viện cùng tôi hỗ trợ bạn đọc. Em cần mẫn sắp xếp ngay ngắn sách trên tủ kệ theo số thứ tự mã sách. Em giặt khăn lau sạch lớp bụi trắng phủ trên bàn ghế.
Có những buổi tôi lu bù hướng dẫn học sinh tìm mượn sách, khi ngồi xuống bàn làm việc, đã thấy hôm thì gói xôi, hôm thì bịch chè trôi nước với tờ giấy nhắn: “Cô ăn xôi nha cô, em chúc cô ăn ngon miệng, em Quỳnh Trang”. Những hôm ấy, niềm vui lấp lánh trong tôi cả ngày. Bởi dù tôi không phải một giáo viên đứng trên bục giảng, không trực tiếp truyền đạt kiến thức trong sách cho em mà em vẫn dành tình cảm trân quý cho tôi.
Mỗi ngày em đều lên thư viện tìm tài liệu phục vụ cho việc học của mình. Khi có thời gian em chia sẻ với tôi những câu chuyện về gia đình, việc học và những mối quan hệ xung quanh tuổi mới lớn. Tôi cũng coi em như một người bạn, người em gái để tâm tình, chỉ dẫn em những bài học không có trong sách vở.
Tôi đã kể em nghe về hành trình của mình, về tuổi 16 bồng bột nông nổi quyết định dừng việc đến trường để Nam tiến lập nghiệp; về tuổi 20 tươi đẹp mà nhiều vụn vỡ, về những ước mơ hoài bão tuổi trẻ bị bẻ gãy giữa chừng. Trên hành trình ấy, tôi cũng có những mùa Xuân năng động đầy nhiệt huyết, lại cũng có lúc rơi vào tuyệt vọng chán chường và cô đơn… Nhưng sau tất cả, tôi đã quyết định đi lại con đường tương lai của mình từ vạch xuất phát.
Khi bạn bè cùng trang lứa là sinh viên của giảng đường đại học, tôi trở thành nữ sinh lớp 10 học ban đêm hệ giáo dục thường xuyên. Ba năm sau, tôi tốt nghiệp bổ túc THPT, thi đại học và bây giờ tôi ngồi đây với em để chia sẻ những chênh vênh mà tuổi 17 em đang trải qua. Em nói: “Cô thật kiên trì, và nghị lực. Nói chuyện với cô em nghĩ cô giống như một người bạn hiểu em, và em như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để mạnh mẽ hơn”.
Vào những buổi giới thiệu sách trong tiết sinh hoạt chào cờ, có hôm tôi lồng ghép hình thức kể chuyện sách, hay diễn kịch theo sách. Tôi chọn em là người dẫn truyện, dẫn chương trình bởi ngoài yêu sách, em còn có một giọng đọc tốt. Đặc biệt, em có phẩm chất của người thủ lĩnh: Mạnh dạn và tự tin.
Có lần em nói: “Em vốn không hay lên thư viện mà từ khi cô phụ trách, mỗi lần đi qua em đều thấy cô chăm chú đọc sách; rồi cô thường xuyên trang trí thư viện theo các chủ đề khác nhau, trí tò mò khám phá của em mới được khơi dậy. Từ đó em lên tìm hiểu rồi yêu sách, yêu thư viện và yêu luôn cả cô lúc nào không hay”.
Bây giờ, em rất thích đọc sách; rất thích ngửi mùi sách mới, lật trang bìa em sẽ hít hà và như bị mê hoặc bởi mùi giấy mới. Tôi cười nói với Trang: “Đó là biểu hiện của những người thực sự yêu sách và cô cũng vậy”. Trang tâm sự tiếp: “Trước đây, em cũng chưa bao giờ lên sân khấu lớn để thuyết trình trước nhiều người. Nay vì được cô tin tưởng và giao nhiệm vụ, em đã mạnh dạn vượt qua được nỗi lo sợ. Nó sẽ giúp ích cho em rất nhiều trong những năm tháng ở giảng đường đại học sau này”.
Quả thật, không chỉ với Trang, cứ vào đầu năm học tôi lại đi tìm các em học sinh có niềm đam mê sách để tham gia vào tổ “Mạng lưới thư viện”. Đọc sách không chỉ giúp các em trau dồi, mở rộng vốn kiến thức mà khi sinh hoạt cùng tổ các em còn được rèn giũa và trang bị cho mình các kỹ năng khác như: Viết; thuyết trình; vẽ tranh…
Thông qua các hoạt động trong tổ, dần dần thư viện đã thu hút được nhiều học sinh khác trong trường. Việc khiến các em học sinh lựa chọn một quyển sách để đọc trong thời đại công nghệ số hiện nay thật không dễ.
Vì vậy, chúng ta không nhất thiết cứ phải hô hào hãy đọc sách, hay nên đọc sách gì mà chỉ cần mỗi ngày các em có thể rời đôi mắt khỏi màn hình điện thoại trong hơn 30 phút giờ ra chơi, để đến thư viện tham gia các hoạt động thư giãn bổ ích như đánh cờ, vẽ tranh… đã rất hiệu quả rồi. Biết đâu trong những lần tham gia đó, các em sẽ vô tình tìm thấy cho mình một quyển sách yêu thích, phù hợp với bản thân.
Trang vẫn luôn bên tôi, đồng hành cùng tôi ở kho tàng sách ấy suốt những năm học tại trường. Năm cuối cấp em tâm sự với tôi sẽ nộp hồ sơ vào Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để thỏa niềm đam mê với sách, cũng như sẽ thực hiện được ước mơ đi tìm công lý cho nhiều người. Sau này, dù không còn là học sinh của trường nhưng mỗi khi có dịp em luôn về trường thăm tôi bất kể ngày lễ hay ngày thường.
Mùa Hè năm 2023, biết tin thư viện trường phối hợp với Tổ Ngữ văn xây dựng “Gian hàng sách 0 đồng” với thông điệp “Trao sách gửi yêu thương”, tiếp sức bạn đến trường cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, em khệ nệ khiêng cả thùng sách và tập đến tặng cho gian hàng mà không quên dặn giấu tên.
Trước khi ra về, em còn thỏ thẻ “Cho em ôm cô một cái nha”. “Ừ! Ôm nào!”. Đó là cái ôm nhớ, ôm thương của cô trò sau bao ngày xa cách. Bóng em khuất dần trong nắng chiều hạ buông. Niềm vui của một người thầy giáo, cô giáo không hẳn chỉ là nhìn thấy học sinh mình đạt thành tích cao trong học tập, hay thành công rạng rỡ trên đường đời, là được thấy học trò của mình có tấm lòng thiện lương, biết thấu hiểu, và sẻ chia với cộng đồng, với những người kém may mắn.
Hiện, em đã là sinh viên năm cuối của Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất vui vì em lại sắp dấn thân vào một hành trình mới. Mỗi lần nhận được vài dòng tin nhắn của em: “Cô ơi! Cô có khỏe không? Cô giữ gìn sức khỏe nhé, khi nào em thu xếp về thăm cô! Bữa nay thư viện trường mình đẹp quá cô ha, các em trong tổ thư viện hoạt động tích cực không cô?”, với một người làm công tác quản lý thư viện trường học như tôi, chỉ nhiêu đó thôi cũng làm tôi vui lắm rồi. Nó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần giúp tôi thêm động lực phấn đấu trong công việc và thêm say mê nghề nghiệp.
Mùa Xuân đang đến gần kề, cây cối đâm chồi nảy lộc, nhà nông được thu hoạch trái ngọt hoa thơm, thành quả của bao ngày gieo trồng cuốc bẵm, vun xới. Tôi cũng đã kịp gieo những hạt giống nhỏ nhắn trên thửa ruộng tri thức của mình; và tôi sẽ tiếp tục chăm sóc mỗi ngày để mong đến khi gặt hái những nhành Xuân.