Gieo hạt mầm khát vọng

Lan Anh | 27/07/2022, 10:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, ngành GD-ĐT cùng nhiều trường học cả nước có chuỗi hoạt động thiết thực. Không chỉ là hành động tri ân thiết thực hướng đến các liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước, mà còn là thực tiễn sinh động để thông qua đó giới trẻ học đường được khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; được giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng…

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống

Trong những ngày hè tháng 7, Trường Tiểu học & THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ như quét dọn nghĩa trang liệt sĩ; tiếp đón các đoàn viếng thăm di tích lịch sử quốc gia “Khu lưu niệm ngày 21/10/1966 tại trường cấp 2 Thụy Dân”...

Thầy Nguyễn Đức Thuận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thụy Dân (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết: Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau còn ở lại, Thụy Dân cũng có nghĩa trang liệt sĩ như bao làng quê khác. Nhưng Thụy Dân còn được biết đến với nghĩa trang học đường độc nhất. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của cô giáo liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh đã ra đi mãi mãi. Người dân xã Thụy Dân ngày nay còn nhớ mãi hình ảnh cô Xuân vẫn ôm chặt 2 học sinh trong vòng tay giữa đống đổ nát của đạn bom.

Gieo hạt mầm khát vọng ảnh 1

Khu lưu niệm liệt sĩ nhà giáo Bùi Thị Thanh Xuân tại Trường Tiểu học & THCS Thụy Dân.

Theo thầy Thuận, để tiếp nối bài học còn đang dang dở, tiếp nối sự nghiệp giáo dục, mỗi thầy giáo, cô giáo của nhà trường luôn nêu cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, giỏi chuyên môn nghiệp vụ; học sinh học giỏi chăm ngoan. Nghĩa trang 21/10 là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, tôn sư trọng đạo cho các thế hệ thầy - trò và nhân dân nơi đây.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Ngành Giáo dục có 3 khu tưởng niệm các liệt sĩ nhà giáo: Khu tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; Khu tưởng niệm liệt sĩ giáo dục tại huyện Tân Biên, Tây Ninh và Khu tưởng niệm 21/10 tại Thái Bình. Đây là những “địa chỉ đỏ” để ghi nhớ công lao của những nhà giáo đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

27/7 hằng năm là dịp cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ, tri ân các chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Năm 2022, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các liệt sĩ, thương binh; nhà giáo, sinh viên đã hy sinh trong cuộc kháng chiến cứu nước.

Gieo hạt mầm khát vọng ảnh 2

Học sinh Trường Tiểu học & THCS Thái Thụy thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ 21/10.

Phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn

Vượt gần 300km từ Thủ đô Hà Nội, đoàn cán bộ giáo viên, nhân viên, đại diện phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội) có mặt tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để tham gia hoạt động của hành trình về nguồn. Tại đây, nhà trường đã phối hợp cùng chính quyền địa phương gặp mặt và trao quà cho các gia đình thương binh và thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với đất nước.

Cô Nguyễn Thị Vân Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng chia sẻ: Hoạt động về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ thường xuyên được trường phát động và tổ chức hàng năm. Trường mong muốn lan tỏa ý nghĩa giáo dục qua hoạt động này, giúp cho lớp trẻ - đặc biệt là học sinh luôn biết ơn, trân quý về một thời oanh liệt của đất nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Theo thống kê, Hà Nội có 257/2.219 nhà giáo là liệt sĩ. Thành phố cũng có 1.010 nhà giáo thuộc diện đối tượng chính sách (358 nhà giáo là thương binh, 141 nhà giáo là vợ liệt sĩ, 493 nhà giáo là con liệt sĩ và 18 nhà giáo là bố mẹ liệt sĩ).

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, ngành GD-ĐT Thủ đô luôn quan tâm công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các nhà giáo là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào đau thương, mất mát chiến tranh gây ra.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, có nhiều nhà giáo là thương binh, thân nhân liệt sĩ được đề bạt, bổ nhiệm giữ các vị trí quản lý quan trọng của ngành. Các nhà giáo là thân nhân gia đình liệt sĩ luôn phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Giáo dục.

Từng có nhiều năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nhà giáo Nguyễn Chí Dũng, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: “Với bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế”, khi hòa bình lập lại, tôi luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Còn cô Vũ Thị Phượng - giáo viên Trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên - có bố đẻ và chồng là liệt sĩ chia sẻ: “Trong những năm qua, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục, đồng nghiệp và các đoàn thể. Phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, tôi luôn nỗ lực nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi; là người con hiếu lễ, nhà giáo mẫu mực, hoàn thành nhiệm vụ với thành tích xuất sắc”.

Em Nguyễn Ngọc Bích - học sinh lớp 7 Trường Tiểu học & THCS Thụy Dân chia sẻ: Qua bài giảng của cô giáo, em được biết, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh năm 1966. Tự hào về truyền thống của quê hương, em luôn phấn đấu học tập để đạt thành tích cao nhất. Hàng năm vào ngày 27/7, em và các bạn trong trường đều tham gia hoạt động giáo dục truyền thống, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gieo hạt mầm khát vọng