Nhà nghiên cứu tên lửa Jeffrey Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, đã phân tích: “Việc đặt lịch cho tháng 10 là khá táo bạo”. Theo ông, trước đây Triều Tiên chưa từng có lịch trình cụ thể như vậy.
Giáo sư Chang Young-keun tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc đánh giá rằng việc Triều Tiên công bố lần phóng thứ ba vào tháng 10, gần như ngay lập tức, có thể mang hàm ý rằng không có vấn đề gì về hiệu quả hoạt động của tên lửa trong các giai đoạn một, giai đoạn hai và giai đoạn ba. Họ đã xác nhận vấn đề xảy ra ở thiết bị nổ khẩn cấp thông qua việc tiếp nhận dữ liệu từ xa.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Triều Tiên từng thể hiện mong muốn sở hữu một hệ thống vệ tinh do thám để giám sát quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Và các nhà phân tích cho rằng tên lửa đẩy Chollima-1 có tiềm năng. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đánh giá khoảng cách ngắn giữa các lần phóng cho thấy Bình Nhưỡng đang có mục tiêu chính trị.
Ông Yang Uk tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul lập luận: “Lịch trình có nhịp độ nhanh bất thường này cho thấy toàn bộ dự án tập trung vào việc nêu bật những thành tựu của Chủ tịch Kim Jong-un”.
Vụ phóng Chollima-1 hôm 31/5 diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hàn Quốc lần đầu tiên đưa vệ tinh vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy sản xuất trong nước Nuri, và các quan chức ở Seoul vào thời điểm đó cho rằng Triều Tiên đã đẩy nhanh tiến độ để theo kịp.
Theo Reuters, Hàn Quốc đã lên kế hoạch gần một năm cho mỗi lần phóng tên lửa đẩy Nuri. Trong khi đó, Triều Tiên lên kế hoạch phóng Chollima-1 ba lần trong vòng chưa đầy sáu tháng.
Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul lại có quan điểm rằng tháng 10 có thể là cơ hội cuối cùng để Chủ tịch Kim Jong-un đưa vệ tinh lên quỹ đạo trong năm nay. Ông nêu rõ: “Việc phóng sẽ khó khăn hơn vào mùa Đông do tốc độ và hướng gió, nên tháng 10 sẽ là lựa chọn cuối cùng để đạt được tiến bộ rõ rệt”.