Giới trẻ thích thú không gian Hà Nội xưa

05/04/2024, 08:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bảo tàng Hà Nội đang thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là những người trẻ đến với không gian Hà Nội xưa.

Không chỉ thu hút khách tham quan bởi kiến trúc hiện đại, cách sắp đặt các chuyên đề về không gian Hà Nội trong quá khứ cũng khiến người trẻ thấy được nếp sống đầy căn tính văn hóa của người xưa.

Đến bảo tàng thấy những gì chưa biết

Nếu như không gian bên ngoài của Bảo tàng Hà Nội theo kiến trúc hiện đại của một “ngôi nhà úp ngược” với sự bài trí hài hòa của không gian xanh mang dáng dấp phương Tây, trở thành điểm check-in “sống ảo” tuyệt đẹp, thì phía bên trong - ở những trưng bày chuyên đề về Hà Nội xưa, một thế giới khác hiện ra thâm trầm, tĩnh lặng nhưng bật lên những vàng son văn hóa của vùng đất kinh kỳ đã từng rất lịch lãm trong chiều dài lịch sử.

Bảo tàng Hà Nội đang thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là những người trẻ đến với không gian Hà Nội xưa, với hồn cốt văn hóa của thời những năm đầu thế kỷ 20. Không gian ấy đã trở thành điểm đến không chỉ để ngắm nhìn vàng son một thuở mà còn như một thước phim quay chậm, để người nay chạm đến từng hiện vật quá khứ.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, thời gian qua bảo tàng đã tổ chức nhiều trưng bày về dấu ấn Hà Nội qua nhiều thời kỳ. Mỗi trưng bày có nét riêng độc đáo và hấp dẫn. Không chỉ từ các hiện vật mà những câu chuyện được kể cũng đem đến những giá trị văn hóa đầy cuốn hút. Đặc biệt với người trẻ, với họ có thể là những câu chuyện chưa bao được nghe, có những hiện vật chưa bao giờ được thấy.

Trong số các trưng bày độc đáo phải kể đến “Nếp xưa” với hơn 200 tài liệu hiện vật được trưng bày, nhằm tái hiện không gian sống của những gia đình khá giả Hà Nội đầu thế kỷ 20 cùng những câu chuyện sinh động của người Thủ đô kể về lối sống thanh lịch, trọng khách, yêu thiên nhiên và cái đẹp.

Không gian đầu tiên được tái hiện chính là phòng khách, nơi tiếp khách thường nằm ở gian cạnh phía bên phải của những nếp nhà ba gian truyền thống, hoặc dưới tầng một của những ngôi nhà hai tầng mang phong cách châu Âu thời thuộc Pháp. Phòng khách cũng là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình thông qua những câu chuyện, những chia sẻ tình cảm trong công việc và cuộc sống.

Trong gian phòng khách treo bức đại tự khắc hai chữ Hán “Hòa Khí”, phía dưới là đôi câu đối: Vân lãng nguyệt minh thiên viễn ngọ/ Nhân khang vật thịnh phúc trùng thân (Mây bay trăng sáng, tiết trời đã quá trưa/ Con người, con vật trong nhà mạnh khỏe thì phúc lại đến).

Bức đại tự và đôi câu đối thể hiện mong muốn của gia chủ cũng như lời căn dặn của tiền nhân dành cho con cháu, phải giữ cho gia đình thuận hòa, trong ấm ngoài êm, mọi người mạnh khỏe, vui vẻ là nhà có phúc.

Chính diện phòng khách của người Hà Nội xưa thường đặt tủ chè chạm khắc, khảm trai tinh xảo. Tủ chè không chỉ được dùng làm vật trang trí mà còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, vì phía trên được các gia đình đặt bàn thờ gia tiên. Đây là cách để thể hiện sự hiếu thuận, dành sự kính trọng, biết ơn đối với tiên tổ.

Đôi lục bình cắm lông công với mong muốn thu hút tài lộc, giàu sang phú quý. Bên cạnh đó, mỗi vật dụng nội thất được sắp đặt và có những ý nghĩa nhất định, như đồ sứ thường đi kèm với đôn gỗ - sứ là bình, gỗ là an, song hành và ghép lại có nghĩa là bình an, điều mà gia đình nào cũng mong muốn.

“Khách đến nhà pha trà mời nước”, đó không chỉ là đạo lý sống mà còn là điều tất yếu của phép lịch sự. Người Hà Nội xưa pha trà tỉ mỉ, cầu kỳ xoay quanh bốn yếu tố “nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm”.

Ấy là nước mưa đun sôi trong ấm đồng. Trà pha phải là là loại ngon, hái đủ ba lá. Pha trà cũng phải theo quy trình tráng, ủ, ngâm, ngấm để việc rót trà ra chén tống chén quân cũng phải tụ phong thái của một trà nhân.

Cùng với hiện vật, những câu chuyện được kể giúp cho công chúng - đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nếp ăn, nếp ở và lối ứng xử văn minh của người Hà Nội xưa.
Cùng với hiện vật, những câu chuyện được kể giúp cho công chúng - đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nếp ăn, nếp ở và lối ứng xử văn minh của người Hà Nội xưa.

Lưu lại quá khứ để thấy tương lai

Những hiện vật thông qua những lời thuyết minh mở ra những câu chuyện, mà với người trẻ ngày nay có lẽ khá lạ lẫm. Nhưng đó là chứng tích và trầm tích của văn hóa Việt, có hay có lạ mà rất đỗi gần gũi, tất cả khiến cho người trẻ thêm hấp lực khám phá, tìm hiểu nguồn cội.

Theo Bảo tàng Hà Nội, giới trẻ rất muốn check-in, chụp lại những khoảnh khắc xưa cũ. Bên cạnh những hiện vật trưng bày, bảo tàng còn sưu tập những mẫu cổ phục để khách mặc trải nghiệm và chụp ảnh trong không gian văn hóa đầy chất vàng son của một Hà Nội rất xưa.

Những người trẻ khá thích thú. Trước khi mặc một bộ cổ phục, họ đóng khá kỹ những dòng viết về lịch sử, ý nghĩa, phong cách cũng như sự phân định trang phục của các tầng lớp xưa. Những bức ảnh được chụp ấy, theo một cách nào đó lan tỏa trên mạng xã hội, đó cũng là cách mà văn hóa truyền thống được lan tỏa rộng rãi.

Những bộ cổ phục giúp công chúng trải nghiệm thời trang xưa của người Hà Nội.
Những bộ cổ phục giúp công chúng trải nghiệm thời trang xưa của người Hà Nội.

Bạn Phạm Việt Lâm cho biết, thấy nhiều người đến check-in cảnh đẹp trong không gian Hà Nội xưa nên cùng nhóm bạn sinh viên Trường Đại học Thương mại đến tìm hiểu, khám phá nét văn hóa tốt đẹp cũng như trải nghiệm mặc cổ phục để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Được tận mắt thấy, nghe thuyết minh về mỗi hiện vật, giúp cho Lâm và bạn bè hiểu thêm về văn hóa cũng như cách bài trí nhà cửa mang nhiều ý nghĩa của người Hà Nội. Lâm và nhóm bạn muốn lưu lại quá khứ cha ông qua những bức ảnh, vì rất có thể sau này sẽ không còn cơ hội.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà, cùng với những trưng bày về nếp sống người kinh kỳ, bảo tàng cũng diễn ra các trưng bày thường xuyên liên quan đến lịch sử, văn hóa, làng nghề nhằm đem đến cho công chúng những góc nhìn cận cảnh về một Hà Nội tươi đẹp, đa sắc thái và vô cùng tinh tế trong cách sống, cách làm việc và ứng xử của người xưa.

“Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15/3, Bảo tàng Hà Nội đã đón trên 22.734 lượt khách. Trong đó, đa số khách tham quan là người trẻ, học sinh, sinh viên. Người trẻ đến bảo tàng không chỉ để check-in, mà họ còn được chạm vào ký ức, thấy được ký ức của cha ông, thấy được nếp ăn, nếp ở, nếp mặc và thấy được các giá trị văn hóa trường tồn, để từ đó yêu mến văn hóa hơn và cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị”, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới trẻ thích thú không gian Hà Nội xưa