Giữ lấy 'Tết thầy'

12/02/2024, 13:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mồng 3 Tết vốn là ngày nhiều thế hệ học trò hướng về những người thầy đã và đang dạy mình. 

Sự phai nhạt trong “Tết thầy” được thầy Nguyễn Trọng Năm liên hệ đến mối quan hệ thầy và trò ngày nay với nhiều điểm khác. Cách dạy học đã có đổi mới, hạn chế khoảng cách, trao đổi thoải mái hơn. Thầy không kỷ luật, trách mắng, đánh phạt… như xưa. Tinh thần “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học hạnh phúc” đang được các nhà trường quan tâm. Bên cạnh đó, cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt đời sống vật chất, tinh thần của cả thầy, trò và xã hội.

Cũng có thầy cô năng lực hạn chế, được đào tạo chưa bài bản, thu nhập quá thấp, dạy thêm trái quy định, áp lực thành tích… Một điều đáng buồn, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận là nghề giáo hiện nay chịu nhiều áp lực, giao chỉ tiêu thành tích, bị tác động từ nhiều phía…

Nêu quan điểm cá nhân dẫn đến thay đổi này, thầy Nguyễn Trọng Năm cho rằng, về khách quan có thể nói đến: Cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ; các quy định của ngành Giáo dục coi trọng, bảo vệ học sinh; công nghệ phát triển mạnh mẽ giúp người học có thể học từ nhiều nguồn khác nhau…

Bên cạnh đó, gia đình thường có 1 - 2 con nên chiều chuộng, coi như “lá ngọc, cành vàng”; chương trình giáo dục còn nặng kiến thức chưa có nhiều nội dung bắt buộc về giáo dục kỹ năng sống, tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống… Về chủ quan, một số thầy cô giáo năng lực còn hạn chế do đầu vào thấp, quá trình học chưa chuyên tâm; chế độ đãi ngộ thấp nên đời sống còn nhiều khó khăn; một số thầy cô dạy thêm có thu nhập lớn nên thương mại hóa, ép học sinh…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, “Tết thầy” không hẳn phai nhạt mà chỉ là sự thay đổi cho phù hợp thời đại. Có thể không đến nhà chúc Tết, học trò vẫn nhớ đến thầy cô bằng những tấm thiệp, dòng tin nhắn, viết lời chúc trên Facebook, Zalo… và những cách thể hiện, quan tâm đáng yêu khác.

Thầy Nguyễn Trọng Năm (người viết bảng) thăm giáo viên chủ nhiệm cũ. Ảnh NVCC
Thầy Nguyễn Trọng Năm (người viết bảng) thăm giáo viên chủ nhiệm cũ. Ảnh NVCC

Làm sao để giữ “Tết thầy”

“Tết thầy” vốn là phong tục tốt đẹp từ xa xưa và việc giữ “Tết thầy”, phát huy hơn nữa giá trị truyền thống tốt đẹp của “Tết thầy” trong xã hội hiện nay là cần thiết. Chia sẻ điều này, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất là người thầy luôn giữ tâm sáng, hết lòng và thực sự yêu thương học trò. Người thầy là tấm gương và giáo dục qua nêu gương chưa bao giờ lỗi thời. Đó cũng là điều căn cốt để nghề giáo, người thầy được tôn trọng và nét văn hóa đẹp “mồng Ba Tết thầy” từ đó vẫn giữ được nguyên ý nghĩa.

Thầy Nguyễn Trọng Năm thì cho rằng, để giữ được ý nghĩa của phong tục “Tết thầy”, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về truyền thống tốt đẹp này cần tăng cường hơn nữa. Cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Giáo dục cùng chung tay quan tâm đến hoạt động này. Vị thế người thầy cần được khẳng định, quan tâm bằng hành động, chính sách thiết thực. Cụ thể, cần nghiên cứu để có chính sách thi tuyển, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bảo vệ và đãi ngộ, làm sao cuộc sống thầy cô được đảm bảo, yên tâm công tác, sáng tạo và cống hiến.

“Mỗi người phải có sự kính trọng thầy cô giáo đã và đang dạy mình, làm gương cho người khác bằng suy nghĩ, hành động cụ thể; không nặng về vật chất để dẫn đến xu hướng tiêu cực. Đồng thời, tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh và cả người lớn thông qua các hình thức đa dạng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin lan tỏa các tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, ý nghĩa”, thầy Nguyễn Trọng Năm chia sẻ.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, trước hết cần nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt của chính người thầy về vai trò, trách nhiệm đối với học sinh và toàn xã hội; coi trọng bài học nêu gương từ người thầy. Cùng đó, không thể thiếu hệ thống cơ chế chính sách đảm bảo đời sống cho nhà giáo, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm vừa trao truyền kiến thức, vừa thực hành đạo đức.

Đạo đức người thầy ảnh hưởng đến hành vi của học trò. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người thầy vẫn nên là tấm gương về chuẩn mực đạo đức. Chỉ khi người thầy thực sự là tấm gương, học trò có nhận thức đúng đắn thì xã hội sẽ lan tỏa việc giữ gìn tinh thần “mồng 3 Tết thầy”, để ngày này không chỉ là tri ân thông thường mà là dịp tỏa sáng giá trị hiếu học, đạo đức, nhân văn trong toàn xã hội.

Câu nói dân gian “Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy” trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về. Câu nói đó ngụ ý, người thầy được tôn kính ngang cha mẹ, một nét văn hóa truyền thống đặc biệt mà ít dân tộc nào có được, điều đó trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt Nam. Nó gợi nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Và cứ đến dịp mồng 3 Tết Nguyên đán, các thế hệ học trò vẫn nô nức đến chúc Tết thầy cô giáo của mình. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may mắn trong những ngày đầu năm mới. - Cô Hoàng Phương An (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phenikaa, Hà Nội)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giu-lay-tet-thay-post671583.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giu-lay-tet-thay-post671583.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ lấy 'Tết thầy'