Hiện, cả nước có 6 tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức dạy học chính thức gồm: Mông; Ê Đê; Jrai; Bahnar; Chăm và Khmer tại 21 tỉnh/thành. Hằng năm có hơn 600 trường học, với 4.500 lớp và 110 nghìn học sinh được học tiếng dân tộc thiểu số. Số học sinh học tiếng dân tộc thiểu số chiếm khoảng 3,9% tổng số học sinh dân tộc thiểu số ở cấp học phổ thông.
Đối với giảng dạy tiếng Khmer, cả nước chỉ có một trường đại học đào tạo giáo viên chính quy và cấp bằng giáo viên tiếng dân tộc thiểu số là Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn (thuộc Trường ĐH Trà Vinh). Đây cũng là ngôi trường đầu tiên trong cả nước được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo chính quy các chuyên ngành đặc thù về ngôn ngữ Khmer, sư phạm tiếng Khmer, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Số lượng sinh viên, học viên đang học đại học và nghiên cứu sinh tại trường là gần 2.500. ThS Thạch Sê Ha - giảng viên tiếng Khmer chia sẻ: Sinh viên tham gia học chương trình tiếng Khmer chủ yếu đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Đặc biệt, nhiều học sinh dân tộc Kinh và S’tiêng cũng chọn học ngành Ngôn ngữ Khmer.
Theo TS Ngô Sô Phe – Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật - Khmer Nam Bộ và Nhân văn, để khuyến khích sinh viên theo học các ngành đặc thù, trường miễn 100% học phí cho sinh viên ngành Sư phạm (theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ) và ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; ngoài ra, mỗi sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng 450.000 đồng. Riêng sinh viên theo học ngành Văn hóa học, Âm nhạc học được giảm 30% học phí.
Ngoài ra, nhà trường tham gia bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer; lớp bồi dưỡng chứng chỉ tiếng Khmer; bồi dưỡng tiếng Khmer cho công chức, viên chức công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên phạm vi cả nước. Không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, đào tạo cán bộ trình độ cao, trường còn đào tạo những người “giữ lửa” cho bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ.
Chúng tôi tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hình thức hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và phục vụ cộng đồng; trao đổi sinh viên, giảng viên, tình nguyện viên và hợp tác triển khai các dự án tài trợ. Đặc biệt, trường sẽ đẩy mạnh tuyển sinh quốc tế ở đại học và sau đại học, đào tạo theo hướng đa dạng ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Khmer… giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm trong và ngoài nước. - TS Ngô Sô Phe