TS.BS Trần Thái Hà, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, cho biết đến nay, chưa có nghiên cứu nào công bố về tác dụng điều trị Covid-19 của vị thuốc địa long. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam cũng chưa có chế phẩm điều trị hay hỗ trợ điều trị Covid-19 nào từ giun đất được Bộ Y tế công nhận, cấp giấy phép trên thị trường.
Theo y học cổ truyền, vị thuốc địa long còn có tên giun đất, khưu dẫn. Vị thuốc này từ rất sớm đã được ứng dụng trong y học cổ truyền. Tên khoa học của giun đất là Pheretima. Bộ phận dùng: toàn thân, rửa sạch phơi hay sấy khô các loài giun đất, gồm có khoang địa long (Pheretima aspergillum E. Perrier) hoặc 3 loài hậu địa long (P. vulgaris Chen; P. pectinifera Michaelsen; P. guillelmi Michaelsen.), họ Cự dẫn (Megascolecidae).
Giun đất vị mặn, tính hàn, vào 4 kinh vị, can, tỳ, thận. Ứng dụng lâm sàng trong bình suyễn (trị hen suyễn có kết quả tốt); trấn kinh (dùng khi sốt cao gây co giật); thông lạc, trị phong thấp tê đau, bán thân bất toại phối hợp với hoàng kỳ, đương quy, xích thược, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa; lợi niệu (dùng với chứng thấp nhiệt, tiểu tiện khó khăn); giải độc tiêu viêm, chữa mụn nhọt, lở loét; bình can hạ áp (chữa tăng huyết áp). Thuốc này dùng 6-12g (rửa sạch, bào chế, sấy khô) dưới dạng thuốc sắc hoặc 2-4g dưới dạng thuốc bột.
Về tác dụng dược lý, địa long kháng histamin và giải nhiệt, làm giãn phế quản, hạ huyết áp. Người ta bắt bỏ giun đất vào thùng có chứa sẵn lá tre, rơm hoặc tro, rồi rửa bằng nước ấm cho sạch chất nhớt. Ép đuôi vào gỗ, sau đó mổ dọc thân giun, rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng. Người dân không được dùng giun tự nhiên lên mặt đất.
Địa long (giun đất) là một vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền. Ảnh: Thuốc dân tộc |
"Người dân không được tự ý dùng giun sống. Nuốt giun sống sẽ có rất nhiều nguy hiểm cho sức khỏe như nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc gây nguy hiểm đến tính mạng", TS.BS Thái Hà nói.
Với các bài thuốc điều trị Covid-19 lan tràn trên mạng xã hội, chưa được kiểm chứng, ông khuyến cáo người dân không nên nghe theo những quảng cáo không có cơ sở khoa học, chưa có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc này sẽ có thể gây ra những nguy hại cho sức khỏe, không có tác dụng điều trị Covid-19.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chúng ta chưa có bằng chứng khoa học về tác dụng của địa long (giun đất) trong điều trị Covid-19. Hơn thế, hành động nuốt giun đất còn sống có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, ngộ độc, dị ứng.
Đồng quan điểm, bác sĩ nội trú Phùng Anh Tuấn, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định địa long không điều trị được Covid-19. Đến nay, Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo bác sĩ Phùng Anh Tuấn, người dân tuyệt đối không nên làm theo bởi chúng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Giun sống trong đất nên mang rất nhiều vi sinh vật gây bệnh. Người mắc Covid-19 sử dụng giun đất lại mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác sẽ khiến tình trạng càng nặng thêm, tăng nguy cơ tử vong.
Tại Việt Nam, các loại thuốc đã được Bộ Y tế chấp thuận và có hướng dẫn cụ thể khi điều trị bệnh nhân Covid-19 là Remdesivir (dùng cho F0 điều trị nội trú, truyền qua tĩnh mạch), Molnupiravir (chỉ định trong phác đồ chữa Covid-19 tại nhà), xuyên tâm liên (thuốc đông y cổ truyền quen thuộc của Việt Nam - trong hỗ trợ điều trị F0).
Ngoài những loại thuốc trên, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị Covid-19 như Favipiravir hay kháng thể đơn dòng ức chế virus IL6 (được WHO khuyến cáo).
Các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng các loại thuộc cổ truyền phải cẩn thận, muốn hỗ trợ điều trị Covid-19 phải có hội đồng khoa học chuyên môn đánh giá, xem xét cẩn trọng. Người dân không nên tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo những nguồn thông tin không chính thống.