Để vượt qua các áp lực, theo cô Trần Thị Hội, trước hết người làm giáo dục phải tự tin vào những năng lực tích cực của mình, về chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm giáo dục. Muốn có được sự tự tin và bản lĩnh ấy, thầy cô cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Có một điều đặc biệt là GV cần sự bao dung và một tư duy “mở”, bởi bản thân học sinh rất tức thời và nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh mới. Do đó, việc dạy học trò, học hỏi đồng nghiệp và chia sẻ, đồng hành cùng học trò vô cùng cần thiết, hữu ích.
“Tuy nhiên, rất cần một cơ chế giáo dục mở từ phía nhà trường, cách nhìn nhận đa diện từ phía phụ huynh học sinh. Bản thân GV muốn thay đổi, muốn đổi mới phải có sự đồng bộ từ nhiều phía, nhất là cộng đồng xã hội; sự ủng hộ và động viên của đồng nghiệp và nhà trường, phụ huynh. Có tư duy mới đã khó nhưng thực hiện cái mới còn khó hơn” - cô Trần Thị Hội chia sẻ.
Ảnh minh họa Internet. |
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi GV đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học sẽ hạnh phúc, nhà trường sẽ hạnh phúc. Thay vì làm những điều lớn lao, cao xa, mỗi GV cần học cách làm những việc giản dị nhưng vô cùng hiệu quả như: Bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp.
Chia sẻ điều này, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, chỉ ra một số rào cản đối với động lực làm việc của GV trong bối cảnh đổi mới giáo dục như: Tâm lý ngại thay đổi; thiếu kiến thức và kỹ năng để thực hiện hiệu quả công việc theo hướng mới; sợ thất bại, sợ bị đánh giá, phê bình; thiếu sự chia sẻ, đồng thuận từ hiệu trưởng, ban giám hiệu, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng; thiếu các nguồn lực cần thiết phục vụ cho đổi mới.
Nhiều GV chưa trang bị cho mình năng lực cốt lõi như tự chủ, tự học; giao tiếp, hợp tác; giải quyết vấn đề... Bên cạnh đó là tình trạng hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng về chương trình mới dẫn tới việc lúng túng, căng thẳng, áp lực cho hiệu trưởng, GV. Do vậy, cần có một môi trường để khuyến khích, tạo động lực cho GV thay đổi bản thân. Chỉ khi bản thân GV thay đổi tích cực mới mong thay đổi được học sinh.
Để tạo động lực, giảm áp lực cho GV, ông Đặng Tự Ân cho rằng, hiệu trưởng cần hiểu rõ các loại nhu cầu (nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, liên kết/giao tiếp, nhu cầu được tôn trọng và tự khẳng định) tác động đến tâm lý làm việc của GV, từ đó có biện pháp phù hợp. Một trong những tác động cải thiện cảm xúc của GV trong trường chính là sự thấu cảm. Trong nhà trường cần có được sự thấu cảm, lan tỏa sự tin tưởng, yêu thương, quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ và bao dung.
“Xây dựng trường học hạnh phúc là giải pháp cơ bản nhất nhằm làm giảm áp lực cho GV. Trong đó, hiệu trưởng là người gieo mầm, cánh chim đầu đàn, người cầm lái tiên phong của nhà trường. Phải tạo cảm xúc tích cực có mục đích, có ý nghĩa đối với mọi thành viên trong nhà trường, “bằng con tim và sự tin tưởng”, bằng sự gieo mầm, lan tỏa và kiến tạo của người hiệu trưởng. Phương châm là: Hiệu trưởng hạnh phúc mới có thể kiến tạo được nhà trường hạnh phúc. Hạnh phúc là cảm nhận của mỗi thành viên nhằm thay đổi cảm xúc để hướng tới chất lượng nhà trường” - ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.