Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được phụ huynh ví quan trọng không kém đại học, vì vậy áp lực đè nặng lên thí sinh.
Nhiều em làm bài không đạt kết quả mong muốn tỏ ra căng thẳng, thậm chí có suy nghĩ, hành động tiêu cực. Điều đó đòi hỏi, gia đình có hiểu biết để đồng hành đúng cách.
Từng cùng con trải qua kỳ thi tuyển vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (TP Thanh Hoá, Thanh Hoá) tâm sự: “Con học ngày, đêm để mong đỗ vào trường THPT có điểm chuẩn cao nhất thành phố. Tôi phải động viên con thay đổi nguyện vọng, chọn trường thấp hơn để đỡ áp lực. Tuy nhiên, con nhất quyết chọn trường tốp đầu để thi”.
Hiểu những áp lực, lo âu con phải đối diện, nên những ngày diễn ra kỳ thi chị Quỳnh Anh và chồng xin nghỉ phép, phân công người nấu cơm, người đưa đón con đi thi. “Mỗi lần con rời trường thi, tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, nhìn nét mặt để đoán ý, trò chuyện.
Trước đó, tôi quán triệt các thành viên trong gia đình không hỏi han hay bàn luận vấn đề làm bài đúng sai, đề thi khó hay dễ… để con thoải mái tinh thần, tập trung vào môn tiếp theo”, chị Quỳnh Anh nói và cho biết thêm, kết thúc kỳ thi nếu con chia sẻ về bài làm thì chúng tôi lắng nghe, đưa ra lời khuyên để không cảm thấy thất vọng với những sai sót; phân tích cho con hiểu kết quả dù thế nào, gia đình luôn trân trọng những nỗ lực suốt thời gian qua.
Còn với chị Phạm Hương Giang (quận Cầu Giấy, Hà Nội), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua là trải nghiệm đáng nhớ, giúp chị hiểu thêm năng lực, mong muốn của con. Chị Giang trải lòng: “Trước mỗi kỳ thi, con hay căng thẳng, thay đổi tâm sinh lý. Để đồng hành, cha mẹ phải vừa là bạn, bác sĩ tâm lý; không đặt kỳ vọng hay mục tiêu cao.
Trước kỳ thi, tôi xác định với con, nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không làm được bài thì bố mẹ chấp nhận kết quả đó. Thậm chí, tôi nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn cách động viên, tháo gỡ nút thắt khi con không đạt kết quả mong muốn; luôn tạo không khí gia đình vui vẻ, tránh mắng mỏ, so sánh tạo áp lực làm con cảm thấy bị đẩy tới bước đường cùng.
Từ đó giúp con hiểu kỳ thi chỉ là một thử thách trong số các thử thách phải trải qua trong học tập và cuộc đời. Nếu thất bại còn nhiều con đường khác để đi, nhưng cần rút kinh nghiệm để chiến thắng ở những kỳ thi sắp tới. Do đó, kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi, gia đình tôi khá thoải mái”.
Theo cô Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập áp lực với thí sinh và cả phụ huynh. Do đó, nhiều em làm bài không tốt sợ bố mẹ thất vọng, dẫn đến khủng hoảng tâm lý, suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Từ kinh nghiệm cá nhân, cô Giang chia sẻ: “Kết thúc mỗi kỳ thi quan trọng, học sinh rất mệt mỏi do đó phụ huynh nên đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ thay vì chì chiết hoặc có thái độ không đúng mực. Kỳ thi kết thúc đừng đặt nặng vấn đề làm bài tốt hay không bởi lúc này chúng ta không thể thay đổi kết quả.
Với những em làm bài không như mong muốn, phụ huynh hãy động viên trẻ tham gia các môn thể thao để giải trí, tránh ở mãi trong phòng dễ có suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến trầm cảm. Hoặc, có thể cùng trẻ đi du lịch để vực dậy tinh thần, loại bỏ tâm lý hoang mang, lo lắng”.
Chị Phạm Hương Giang (quận Cầu Giấy, Hà Nội), động viên con học trong những ngày cuối tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2024. Ảnh: NVCC |
Theo ThS. Bác sĩ Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp (Bệnh viện E, Hà Nội), một phần áp lực của học sinh trong các kỳ thi chính là sự kỳ vọng của gia đình, cha mẹ. Do đó, khi không làm được bài, các em thường lo lắng, sợ hãi, căng thẳng vì làm người thân thất vọng. Để giảm thiểu áp lực, phụ huynh nên động viên, chia sẻ, nắm bắt tâm lý nhằm kịp thời biết được những khó khăn trẻ đang gặp phải.
“Sự hỗ trợ của phụ huynh lúc này là nguồn động viên lớn, hậu phương vững chắc để các em tiến về phía trước. Cha mẹ cần lưu ý, mỗi trẻ có năng lực học tập khác nhau, tùy khả năng để đưa ra mục tiêu, mong muốn phù hợp cũng như có sự hỗ trợ cần thiết”, bác sĩ Phương Mai nói, đồng thời phân tích thêm: Nếu bài làm không đạt như kỳ vọng, thay vì trách móc, thất vọng, cha mẹ nên sẵn sàng chia sẻ để trẻ hiểu dù kết quả ra sao vẫn luôn có sự đồng hành, điểm tựa từ gia đình.
Ngoài ra, cha mẹ dành một khoảng thời gian trong ngày tâm sự, tránh để trẻ cảm thấy cô đơn, một mình đối mặt với vấn đề hậu thi cử. Gia đình nên động viên các em ngủ nghỉ, tham gia hoạt động thể dục thể thao, từ đó cân bằng cảm xúc, tái tạo năng lượng và thư giãn hệ thần kinh, phục hồi khả năng ghi nhớ.
Nhấn mạnh vai trò của gia đình trước, trong và đặc biệt sau mỗi kỳ thi, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Sau mỗi kỳ thi, học sinh rất căng thẳng, đặc biệt với kỳ thi vào lớp 10. Do đó, cha mẹ nên hiểu và đồng cảm. Nếu các em đạt được như kỳ vọng thì đó là vượt thử thách thành công nhưng nếu không đạt mục tiêu đề ra nên hài lòng, chấp nhận”.
Kỳ thi vào lớp 10 công lập chưa đạt được nguyện vọng cũng chỉ là bài học không phải là điểm cuối. Cha mẹ phải định hướng, hỗ trợ để các em rút kinh nghiệm, tiếp tục phấn đấu cho những kỳ thi, mong muốn quan trọng hơn của cuộc đời sau này. Bởi vậy, động viên trẻ can đảm đứng dậy sau thất bại mới là điều quan trọng.
“Phụ huynh hãy nhớ, học ở bất kỳ môi trường nào, nếu phù hợp với năng lực sẽ phát huy được khả năng, hình thành ý thức tự học, biết xây dựng kế hoạch, mục tiêu cá nhân. Phụ huynh phải làm sao để trẻ biết phấn đấu, phát triển bản thân”, TS Tùng Lâm nói.
“Để các em vững vàng, tránh căng thẳng áp lực sau kỳ thi vào lớp 10, cha mẹ nên tạo tâm lý thoải mái, hỗ trợ, động viên. Từ đó, các em có tinh thần và thể chất tốt để đón nhận kết quả, tự xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho giai đoạn mới”, ThS. Bác sĩ Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp (Bệnh viện E) chia sẻ.