Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên môn Vật lý, Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết, trước đây, trong suy nghĩ nhiều người, đa số học viên có trình độ kém, cá biệt, ngỗ nghịch, không đỗ vào đâu mới vào đây, đi học cho có chỗ...
Tuy nhiên, hiện công tác phân luồng hướng nghiệp thay đổi, cộng thêm hoạt động giảng dạy kết hợp giữa đào tạo văn hóa với dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo sức hút đối học sinh có thành tích học tập khá, đủ năng lực thi đỗ các trường THPT công lập nhưng vẫn chọn học tại trung tâm GDNN - GDTX.
Do vậy, cô Hiền luôn tâm niệm trong dạy học muốn học viên đồng lòng, nỗ lực học tập, người thầy phải tích cực, linh hoạt sử dụng phương pháp, tổ chức nhiều hoạt động học tập giúp học viên tự tin, phát huy tính tự chủ, sáng tạo.
“Ngoài ra, tôi hướng dẫn các em cách thu thập thông tin, dữ liệu từ sách giáo khoa, sách tham khảo, bài giảng giáo viên để chắt lọc kiến thức cơ bản từng vấn đề. Đối với học viên yếu, tôi hướng dẫn đánh dấu từ khóa quan trọng trong bài học, cách tự ôn tập tại nhà; khuyến khích các em trao đổi, thảo luận và đặt câu hỏi với giáo viên trong tiết học để giải quyết ngay các vấn đề chưa hiểu, từ đó quá trình học tập bớt áp lực”, cô Hiền chia sẻ.
12 năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô Hiền không ít lần chứng kiến học viên nghỉ học. “Buổi học nào lên lớp, tôi cũng điểm danh đầy đủ, chỉ cần báo có học viên nghỉ tôi sẽ hỏi bằng được nguyên nhân? Nếu cán bộ lớp không biết, bản thân tìm cách liên lạc với gia đình vừa để thông báo vừa tìm hiểu lý do.
Trường hợp nghỉ lâu, tôi chủ động đến nhà tìm hiểu. Nếu trò nghỉ học vì gia đình khó khăn tôi sẽ đề xuất với ban lãnh đạo trung tâm có phương án hỗ trợ. Em nào nghỉ học vì suy nghĩ, tư tưởng gia đình chưa coi trọng việc học, tôi sẽ phân tích, thuyết phục để phụ huynh, học viên hiểu và đồng ý cho con em trở lại trường học tập”, cô Hiền cho hay.
Không những vậy, với học viên là con hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình hoàn cảnh đặc biệt, ngoài động viên tinh thần, cô Hiền còn đề nghị trung tâm hỗ trợ vật chất, trao học bổng giúp các em vươn lên học tập, hoàn thành chương trình, không bỏ học giữa chừng.
“Muốn có tiết dạy tốt, người thầy cần kỹ năng tổ chức, hướng dẫn học viên, đặc biệt dạy cách phân bố thời gian học sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều em là người dân tộc thiểu số, tôi đã nghiên cứu văn hóa, tự học thêm tiếng dân tộc để có thể trao đổi dễ dàng, tạo sự gần gũi với các em…”. - Cô Nguyễn Thị Thu Hiền (Trung tâm GDNN-GDTX TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)