Gỡ khó cho học sinh chuyển tổ hợp môn học tự chọn

28/11/2023, 07:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Điểm mới nhất so với chương trình cũ là việc học sinh THPT được lựa chọn các môn tổ hợp.

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT. Điểm mới nhất so với chương trình cũ là việc học sinh được lựa chọn các môn tổ hợp. Nhiều học sinh và phụ huynh bỡ ngỡ, nên việc định hướng, lựa chọn tổ hợp môn chưa phù hợp. Từ thực tế, ngành Giáo dục Hải Phòng đã có những hướng dẫn tháo gỡ tạo điều kiện cho học sinh.

Nhu cầu chính đáng

Chị Hoàng Thị Mây, phường An Dương, quận Lê Chân chia sẻ, gia đình chị có con gái đang học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn. Đầu năm lớp 10, theo nguyện vọng, con chị chọn lớp có tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN). Nhưng quá trình học con thấy không phù hợp và muốn chuyển sang tổ hợp môn Khoa học xã hội (KHXH).

Gia đình làm đơn theo nguyện vọng. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì chương trình mới có nhiều điểm khác biệt. Quá trình đó được thầy cô hướng dẫn, con tự ôn luyện và làm bài kiểm tra để đạt điểm chuyển sang tổ hợp KHXH.

Anh Nguyễn Tấn Đạt, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền cho biết, con anh học lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn huyện An Lão. Ngay khi vào trường, gia đình được thầy cô tư vấn, định hướng nên con đã chọn tổ hợp môn KHXH. Vì điều kiện gia đình, năm nay anh đã xin chuyển cho con vào nội thành theo học.

Tuy nhiên, tổ hợp môn KHXH tại trường mới không có môn Sinh học mà thay vào đó là môn Vật lý. Do môn học không trùng khớp với trường cũ, con phải dành thời gian học và thi điều kiện để đảm bảo theo học được tổ hợp môn tại trường mới.

Em Vũ Đức Nguyên, lớp 11B13, Trường THPT An Lão, huyện An Lão cho biết: Năm học trước, em học lớp 10 tại Trường THPT Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng). Do nhu cầu chuyển chỗ ở, nên gia đình xin về Trường THPT An Lão cho gần nhà. Ở trường cũ em học tổ hợp KHXH, trong đó có môn Hóa học.

Khi chuyển trường em có nguyện vọng vẫn học tổ hợp KHXH nhưng trường mới trong tổ hợp này lại học Vật lý. Ban đầu, em khá bỡ ngỡ, lo lắng vì sợ không theo được. Nhưng trong hè, khi được xếp lớp, em đã ôn tập và làm bài kiểm tra môn Vật lý theo hướng dẫn của thầy cô.

Năm học này, Trường THPT An Lão có hơn 1.600 học sinh. Theo cô Nguyễn Thị Là, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường có 4 học sinh lớp 11 có nhu cầu chuyển về trường và chuyển ban. Trong đó, có học sinh chuyển từ tỉnh khác về và học sinh trong trường có nhu cầu chuyển ban. Với những trường hợp này, nhà trường phối hợp cùng phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất để các con đạt được nguyện vọng.

Cô Là cho rằng, điều quan trọng nhất đối với học sinh khi chuyển về trường và chuyển tổ hợp là phải đảm bảo đủ kiến thức học môn mới mà lớp 10 chưa học, để khẳng định học sinh đủ điều kiện theo học. Khi học sinh có đơn, nhà trường xem xét học bạ, nguyện vọng và phân công giáo viên bộ môn hướng dẫn ôn tập. Sau đó, nhà trường cho các em làm bài kiểm tra đánh giá điều kiện. Trong hồ sơ của học trò, nhà trường lưu đầy đủ các bài kiểm tra để làm căn cứ sắp xếp tổ hợp môn phù hợp.

Học sinh Trường THPT An Lão trong giờ học. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT An Lão trong giờ học. Ảnh: TG

Tạo điều kiện hết mức

Nguyễn Thị Ngọc Mai, lớp 11B13, Trường THPT An Lão vừa chuyển từ Trường THPT Ba Bể, TP Bắc Kạn về. Ngọc Mai cho hay, năm học lớp 10 em theo tổ hợp KHXH gồm các môn: Địa lý, Công nghệ, Sinh học, Kinh tế pháp luật.

Nhưng tại Trường THPT An Lão, tổ hợp KHXH thay môn Sinh học là môn Vật lý. Ban đầu, Ngọc Mai rất sợ môn Vật lý và e ngại khó có thể theo được. Nhưng khi ôn tập em đã nhờ các bạn và thầy cô hướng dẫn. Thời gian hè, Ngọc Mai ôn luyện tập trung trong 2 tuần và làm bài kiểm tra đảm bảo điều kiện theo tổ hợp môn đúng nguyện vọng.

Trong số 2 học sinh chuyển tổ hợp môn tại Trường THPT An Lão có em Vũ Thành Vinh, lớp 11B8. Năm lớp 10 em chọn tổ hợp KHXH. Nhưng sang năm lớp 11, Vinh có nguyện vọng sang tổ hợp các môn tự nhiên. Lý do mà Vinh chuyển ban vì tổ hợp KHXH phải học thuộc nhiều không phù hợp với em. Để được nhà trường chấp thuận cho chuyển ban, Thành Vinh đã nỗ lực ôn tập và làm bài kiểm tra môn Tin học và Hóa học. Với 9,2 điểm môn Tin học và Hóa học 7,5, Vinh đã khẳng định được nguyện vọng chuyển tổ hợp là chính đáng và ổn định theo học.

Cô Là cho biết thêm, việc chuyển trường là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh, tuy nhiên việc sắp xếp lại lớp học cũng làm xáo trộn quân số các lớp, mất cân đối số lượng học sinh/lớp. Mặc dù vậy, trên tinh thần nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ các em để ổn định việc học tập theo môn học phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho hay, năm học này nhà trường có 9 học sinh chuyển tổ hợp môn. Để đảm bảo theo các quy định, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và công văn hướng dẫn của Sở GD&ĐT, trường tổ chức gặp mặt học sinh và phụ huynh để tư vấn cho các em để có phương án ôn tập.

Khi thống nhất phương án, trường giao cho giáo viên bộ môn ra đề cương và ôn tập cho học sinh từ 3 - 5 buổi. Trường đã tổ chức thi và hoàn thành việc chuyển trường, chuyển tổ hợp cho học sinh trước thềm năm học mới.

Thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng chia sẻ, việc chuyển tổ hợp môn cho học sinh khi học Chương trình GDPT 2018 được nhiều sự quan tâm của phụ huynh.

Thực tế không phải trường nào cũng có tổ hợp môn trùng hợp nhau và cũng không phải học sinh nào cũng lựa chọn được tổ hợp môn phù hợp ngay từ lớp 10. Vì thế, điều quan trọng là thầy cô hướng dẫn học sinh làm các bước để hoàn thiện hồ sơ và khẳng định đủ điều kiện theo học. Từ đó, việc chuyển tổ hợp hay chuyển trường không phải rào cản.

Trong Công văn số 2156 ngày 15/8 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, Sở GD&ĐT Hải Phòng hướng dẫn các nhà trường bám sát Công văn số 68 của Bộ GD&ĐT về việc chuyển đổi môn học cho học sinh:

Nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kĩ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học tính đến thời điểm kiểm tra và được thực hiện tương tự như bài kiểm tra, đánh giá định kì. Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh tại cột ghi chú của môn học, thuộc học kì II; đồng thời ghi vào học bạ tại ô “kết quả học tập, rèn luyện trong hè”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó cho học sinh chuyển tổ hợp môn học tự chọn