Gỡ khó triển khai Nội dung giáo dục địa phương

23/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với đặc thù cần sắp xếp nhiều giáo viên giảng dạy, hoạt động kiểm tra, đánh giá Nội dung giáo dục địa phương tại các trường trung học còn khó khăn.

Năm đầu tiên nhưng Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang) triển khai Nội dung giáo dục địa phương khá trơn tru, trong đó có kiểm tra, đánh giá. Kinh nghiệm cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh chia sẻ là lên kế hoạch sớm, chỉ đạo sát sao, giáo viên phối hợp nhuần nhuyễn.

“Trường phân công đủ giáo viên đảm nhiệm các nội dung giáo dục địa phương. Việc kiểm tra, đánh giá không có khó khăn vì thầy cô cùng phối hợp. Cả 4 bài kiểm tra lấy điểm thường xuyên, định kì của môn đều tổng hợp từ các chủ đề (tính đến thời điểm kiểm tra) và câu hỏi có cả hình thức trắc nghiệm, tự luận. Căn cứ vào số tiết từng chủ đề, các tổ chuyên môn xây dựng ma trận đề, cụ thể mỗi chuyên đề có bao nhiêu câu, nên có được đề kiểm tra thuận lợi. Riêng cán bộ quản lý vất vả hơn chút ít ở sắp xếp thời khóa biểu”, cô Hoàng Thị Hạnh chia sẻ.

Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) bắt đầu triển khai Nội dung giáo dục địa phương từ học kỳ II với lớp 10. Chia sẻ của thầy Hà Văn Trí, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10 của Thừa Thiên - Huế có các chuyên đề: Lịch sử và Văn hóa; Địa lí - kinh tế - chính trị - xã hội; Hướng nghiệp địa phương; Nghệ thuật; Văn học. Căn cứ vào đó, nhà trường phân công giáo viên 3 tổ: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí cùng phụ trách môn học. Như vậy, mỗi lớp có 3 giáo viên dạy Nội dung giáo dục địa phương, tổng số giáo viên dạy môn này của trường là 15 người.

Việc kiểm tra, đánh giá Nội dung giáo dục địa phương, theo thầy Hà Văn Trí không gặp nhiều khó khăn bởi nhà trường chỉ đạo 1 bài kiểm tra thường xuyên do giáo viên Lịch sử, 1 bài do giáo viên Địa lí thực hiện. Bài kiểm tra định kì được giáo viên tổ Lịch sử đảm nhiệm trên cơ sở phối hợp với giáo viên tổ Địa lí trong công tác ra đề kiểm tra cuối học kỳ I. Trong học kỳ II, chỉ đạo tổ Ngữ văn thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên và định kì.

Để triển khai giảng dạy nội dung này, thầy Hà Văn Trí mong được cung cấp tài liệu sớm để lên kế hoạch phân công giảng dạy đầu năm học. Đây là môn ít tiết, nhưng nhiều giáo viên phụ trách, nên việc phân công có khó khăn trong công tác xếp thời khóa biểu. Ví dụ, hiện trường có 12 lớp 10/521 học sinh, nhưng tổ Lịch sử chỉ có 3 giáo viên, tổ Địa lí tương tự nên phải thực hiện đan xen khi phân công giảng dạy.

Nêu kiến nghị, đề xuất, thầy Lê Xuân Thiều mong muốn tổ chức bồi dưỡng giáo viên để mỗi thầy cô có thể đảm nhiệm được Nội dung giáo dục địa phương cho một lớp trong suốt năm học. Làm được việc này thuận tiện kể cả ở cấp độ quản lý đến triển khai thực hiện, theo dõi đánh giá học sinh sát sao.

Bên cạnh đó, có thể mở cơ chế thoáng để nhà trường hợp đồng, mời chuyên gia về thỉnh giảng với chủ đề phù hợp nội dung này sẽ thu hút học sinh hơn. Ví dụ, chủ đề Mĩ thuật mời người có chuyên môn từ Bảo tàng, Sở Văn hóa tỉnh để trao đổi chỉ 4 tiết là hoàn thành. Tất nhiên, khi chuyên gia nhận lời thỉnh giảng nội dung nào thì phải chịu trách nhiệm liên quan đến kiểm tra, đánh giá nội dung đó.

Thầy Lê Xuân Thiều cho biết: Nội dung giáo dục địa phương, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh được thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Giáo viên đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét theo một trong hai mức: Đạt và Chưa đạt. Vì có 35 tiết/năm học, nên đánh giá thường xuyên với Nội dung giáo dục địa phương không giới hạn số lần, nhưng chỉ lấy 2 đầu điểm. Đánh giá định kì có 2 bài/học kì. Các lần đánh giá phải có sự phối hợp của các giáo viên.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/go-kho-trien-khai-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-post639863.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/go-kho-trien-khai-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-post639863.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó triển khai Nội dung giáo dục địa phương