Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Đăk Tơ Re đã trao 10 góc học tập, gồm: Bàn, ghế, kệ sách, đèn điện, đồ dùng học tập… trị giá 500.000 đồng/bộ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học tốt. Cô Nguyễn Thị Tài Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mô hình “Góc học tập yêu thương” nhằm tăng sự đồng hành giữa nhà trường với gia đình, giáo viên với học sinh. Sau khi hỗ trợ góc học tập cho các em, giáo viên và đại diện chi hội phụ huynh sẽ kiểm tra nền nếp học tập. Đồng thời, đôn đốc việc học tập, rèn luyện thói quen ngồi học đúng giờ, giữ gìn góc học tập ngăn nắp của trò.
Theo cô Thọ, hiện còn nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có góc học tập. Do đó, nhà trường triển khai, vận động từ nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ góc học tập cho trẻ nghèo. Từ đó, giúp các em có tư thế ngồi học đúng, đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng dạy và học.
Tại Trường Tiểu học Tân Lập, hưởng ứng phong trào “Giúp bạn đến trường - Cùng hướng tới tương lai” của Phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy, năm học 2023 - 2024, nhà trường phát động đợt quyên góp, xây dựng góc học tập cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Cô Hoàng Thị Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đầu năm học 2023 - 2024, nhà trường lập kế hoạch, kêu gọi cán bộ, giáo viên và nhà hảo tâm hỗ trợ để xây dựng mô hình “Góc học tập yêu thương”. Thông qua mô hình phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Từ đó, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức chính trị, xã hội, nhà hảo tâm trong việc chăm sóc, giúp đỡ học sinh, đặc biệt là học trò dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Với tinh thần tương thân tương ái, chỉ trong thời gian ngắn Trường Tiểu học Tân Lập đã trao 6 góc học tập, gồm: Bàn học, kệ sách, khăn trải bàn, bóng đèn, đồ dùng học tập… cho 6 học sinh hoàn cảnh khó khăn. Mô hình không chỉ rèn luyện ý thức, giữ gìn góc học tập ngăn nắp, mà còn động viên các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Theo bà Hồ Thị Cảnh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Rẫy, trên địa bàn huyện còn nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, chưa có góc học tập riêng. Chỗ ngồi học của các em không cố định vị trí nào. Dù vậy, nhiều em vẫn cố gắng khắc phục hoàn cảnh để học tập tốt. Thương trò nghèo hiếu học, mô hình “Góc học tập yêu thương” sẽ giúp các em có góc học tập tươm tất, gọn gàng, từ đó tạo động lực để các em nỗ lực vượt khó học tập tốt.
Việc làm này giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện học tập, rèn luyện. Tôi mong mô hình “Góc học tập yêu thương” của các trường sẽ tiếp tục phát huy, nhân rộng và nhận nhiều sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng. - Bà Hồ Thị Cảnh