Gợi mở giải pháp kiến tạo đại học chia sẻ

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tiễn dạy học trực tuyến và chia sẻ giáo dục trong đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện khách quan “chín muồi” cho việc kiến tạo mô hình đại học chia sẻ tại Việt Nam. Thế nhưng, làm thế nào để loại hình này có thể phát triển như mong đợi vẫn là bài toán chưa có lời giải. Góc nhìn, chia sẻ của các chuyên gia, lãnh đạo đại học sẽ góp phần gợi mở cho vấn đề này.

Các trường đại học cùng nhau hiệp lực xây dựng “hệ sinh thái đại học chia sẻ” với tầm nhìn, mục tiêu chung. Đồng thời, có những thỏa ước tập thể, tổ chức ký kết hợp tác ghi nhớ về việc công nhận chương trình đào tạo với nhau, công nhận tín chỉ của người học tích lũy ở các trường, chia sẻ nguồn lực, học thuật, học liệu và đội ngũ trên những ràng buộc chung về chất lượng…

Tiếp tục phát huy tính hiệu quả tích cực của mô hình “Câu lạc bộ các trường đại học”, “Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học” với sự luân phiên làm Chủ nhiệm giữa các trường, hiệu trưởng để hiện thực hóa việc xây dựng “hệ sinh thái đại học chia sẻ” phát triển thực chất và mang tính bền vững.

PGS.TS Bùi Văn Hồng (Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM): Thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở

Gợi mở giải pháp kiến tạo đại học chia sẻ ảnh 3

PGS.TS Bùi Văn Hồng

Mục tiêu của giáo dục đại học chia sẻ là giảm chi phí cho cơ sở giáo dục và sinh viên trong xu hướng tự chủ, qua đó giảm học phí. Các cơ sở giáo dục đại học có thể chia sẻ lẫn nhau về giảng viên, giáo trình, dữ liệu, phòng thí nghiệm, thiết bị, cơ sở hạ tầng, thư viện…

Dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hiện nay, để phát triển mô hình giáo dục đại học chia sẻ ở Việt Nam, các cơ sở giáo dục cần thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở, liên thông để có thể chuyển đổi tín chỉ lẫn nhau; phát triển dạy học số và công nhận kết quả học các khóa online, khóa học MOOC; tăng cường hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ; tạo cơ chế thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học chia sẻ.

TS Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM): Triển khai trên một khung pháp lý đầy đủ

Gợi mở giải pháp kiến tạo đại học chia sẻ ảnh 4

TS Trần Đình Lý

Để thúc đẩy mô hình đại học chia sẻ lan tỏa mạnh mẽ, tạo được điểm sáng rõ rệt trong giai đoạn đầu ở một vài nhóm ngành, khối ngành đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ GD&ĐT phải sớm ban hành quy định, quy chế để áp dụng cho chương trình sẻ chia. Trong đó, chương trình đào tạo áp dụng sẻ chia nên được kiểm định chất lượng như nhau. Thống nhất và tương đồng với nhau cả về mặt khung thời gian đào tạo, chuẩn đầu ra cho đến tiêu chuẩn và điều kiện học tập của người học.

Mô hình đại học chia sẻ xét ở góc độ rộng trong bối cảnh xu thế tự chủ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, rất đáng để nghiên cứu, thống nhất và triển khai trên một khung pháp lý đầy đủ. Bởi chỉ khi có định hướng, thể chế và quy phạm nhất định trong từng thành phần thực hiện, các trường sẽ dễ dàng đối sánh và hướng đến định lượng tối thiểu hoặc tối đa để tương thích, liên kết với nhau hơn. Qua đó, thúc đẩy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc khai thác thế mạnh nội tại của từng đơn vị.

Sự đồng thuận, liên kết trên nền tảng đồng ý tự nguyện của người học được thể chế và cụ thể bằng những quy định… sẽ phát huy triệt để các giá trị học thuật, chất lượng đào tạo và cả việc nâng tầm đối sánh với hệ thống giáo dục đại học nước ngoài.

Theo TS Lý Thiên Trang (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM), có thể triển khai thí điểm mô hình đại học chia sẻ ở ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và 3 đại học vùng: Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế để tận dụng nguồn lực các đại học thành viên và với cấu trúc hiện tại cũng dễ áp dụng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/goi-mo-giai-phap-kien-tao-dai-hoc-chia-se-post605931.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/goi-mo-giai-phap-kien-tao-dai-hoc-chia-se-post605931.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gợi mở giải pháp kiến tạo đại học chia sẻ