PGS.TS Nguyễn Như Phát viện dẫn, trong yêu cầu về chuẩn đầu ra, người học cần có kỹ năng tư duy phản biện, phê phán và khả năng sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi liên quan tới các ngành, nghề luật.
“Yêu cầu này tốt và nếu đạt được thì rất quý. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại rất khó để đáp ứng. Do đó, để thực hiện mục tiêu này, cần có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng” - PGS.TS Nguyễn Như Phát nêu ý kiến.
Cũng tại tọa đàm, một số chuyên gia đề xuất, cần chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên năng lực, cùng điều kiện cần và đủ. Trong yêu cầu về chuẩn đầu vào, nên chăng cân nhắc sử dụng môn Giáo dục công dân để xét tuyển.
Ngoài ra, nếu xét tuyển bằng học bạ nên lấy điểm trung bình học từ 6,5 điểm/môn; còn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì trong tổ hợp xét tuyển, thí sinh cần 6 điểm/môn.
Các chuyên gia trao đổi, góp ý tại Tọa đàm xin ý kiến dự thảo chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học. |
Trước đó, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.
Báo cáo nêu Chuẩn chương trình đào tạo gồm chuẩn đầu ra của người học. Thứ nhất về kiến thức, người cần có: Kiến thức lý thuyết và thực tế cơ bản, toàn diện thuộc khối ngành pháp luật; kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, khoa học xã hội; kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động nghề luật cụ thể; kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn pháp luật
Thứ hai về kỹ năng, người học có: Tư duy phản biện, phê phán và khả năng sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi liên quan tới các ngành, nghề luật; kỹ năng đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của pháp luật trong mối liên hệ với lý luận và thực tiễn; kỹ năng giải quyết vấn đề pháp lý; kỹ năng giao tiếp và tương tác thân thiện, hiệu quả; kỹ năng diễn đạt, truyền đạt, chuyển tải, phổ biến bằng lời nói hoặc văn bản; kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp về pháp luật.
Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác; kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm; năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và tương đương; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản phục vụ công việc văn phòng, tìm kiếm thông tin, tra cứu văn bản pháp luật trên môi trường internet.
Thứ ba, về phẩm chất, năng lực tự chủ và trách nhiệm, người học có khả năng: Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm; hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc được giao; tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân; lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học. |
Về chuẩn đầu vào, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh các yêu cầu với người học gồm: Tốt nghiệp THPT hoặc trình độ tương đương trở lên; Các tổ hợp môn xét tuyển phải bao gồm ít nhất 2 trong số các môn học sau: Toán học, Văn học, Vật lý, Lịch sử, Ngoại ngữ
Trường hợp xét tuyển theo tổ hợp các môn dựa trên kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT thì mỗi môn xét tuyển phải đạt từ 6,5 điểm trở lên (theo thang điểm 10). Khuyến khích những người đã có một bằng đại học theo học các chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật.
Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học tham gia buổi tọa đàm. |
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, sự cần thiết của Chuẩn chương trình đào tạo. Chuẩn này và chuẩn cơ sở giáo dục đại học có nhiều điểm mới nên cần thảo luận kỹ để tiến hành thẩm định trước khi ban hành. Chuẩn chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu, khác với Chương trình và khung chương trình. Tùy từng lĩnh vực, khối ngành có thể đưa ra yêu cầu cao hơn. Mục đích là nâng cao chất lượng đào tạo.