Công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận thời gian qua gặp những khó khăn đó là một số phường như: Vĩnh Hưng, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Yên Sở… đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, nhiều phế liệu phế thải là nơi chứa nước tạo điều kiện để lăng quăng bọ gậy phát triển.
Các phường trên địa bàn nhiều nhà trọ, dân cư di biến động phức tạp, đa số người trọ là học sinh, sinh viên nên ý thức vệ sinh môi trường chưa được tốt, tạo điều kiện để muỗi phát triển. Một số phường người dân có bể chứa nước nổi không có nắp đậy kín hoặc có nắp nhưng không kín, các hộ còn trồng rau sạch trên sân thượng, trồng cây cảnh chính là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thời gian vừa qua, nhu cầu cấp tiểu cầu của các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh vì dịch sốt xuất huyết bùng phát (Tiểu cầu rất quan trọng trong điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết để chống lại tình trạng chảy máu).
Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11.
Để kiểm soát dịch, thành phố tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Tại các địa phương, huy động các ban ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cũng được yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết kịp thời.