Trong giai đoạn đầu tư, dự án sẽ có các hạng mục như sau.
Đầu tiên là tuyến đường nối từ QL.32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc với chiều dài 4.402,5 m. Bề rộng 32 m với quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Kế đến là Cầu vượt kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận có chiều dài 125 m với 3 nhịp dầm, mặt cắt ngang cầu 32 m.
Cầu cạn vượt qua vùng lòng hồ Vân Cốc sẽ có chiều dài 1.595 m, mặt cắt ngang 20,5 m. Hạng mục chính là cầu Vân Phúc vượt sông Hồng dài 1.299 m, bề rộng mặt cầu 20,5m với quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Tại nút giao đường Tây Thăng Long sẽ bố trí cầu cạn với chiều dài 320m, bề rộng mặt cắt ngang 32 m, bố trí 8 nhịp dầm. Cuối cùng là Cầu vượt kênh Phụng Thượng có chiều dài 18,5 m, mặt cắt ngang 32 m.
Về hướng tuyến, từ vị trí giao cắt với QL.32, tuyến đi bám theo phía Đông khu dân cư x thôn Tây, xã Phụng Thượng theo hướng tuyến Dự án đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam cũ; giao cắt với trục Tây Thăng Long, bám theo phía Tây khu dân cư xã Long Xuyên, dọc theo đường Hoàng Diệu hiện tại đến đường Đê Ngọc Tảo.
Sau đó tuyến rẽ trái vượt qua kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận và đi bám theo phía Tây khu dân cư Xuân Đình, vượt đê Hữu Hồng đê Vân Cốc và vượt qua sông Hồng về phía hạ lưu sang địa phận tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó đoạn tuyến từ Đê Ngọc Tảo trước khi vượt qua Kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận có cắt ngang qua phạm vi dự án Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận.
Sau khi vượt đê Vân Cốc và vượt qua sông Hồng. Điểm cuối dự án tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Trên tuyến sẽ xây dựng 4 nút giao chính. Đầu tiên là nút giao với QL32 sẽ thiết kế dạng ngã ba kết hợp đảo phân làn đường để đảm bảo an toàn giao thông.
Nút giao đường Tây Thăng Long không nằm trong hạng mục các công trình trọng điểm 2021-2025 nên chưa xác định được thời gian đầu tư. Do vậy nút giao với đường Tây Thăng Long là nút giao quy hoạch. Bố trí nút giao dạng cầu vượt, toàn bộ công tác GPMB và xây dựng được thực hiện ở dự án Tây Thăng Long.
Nút giao với đường đê Ngọc Tảo sẽ bố trí dạng ngã tư đơn giản để giao thông địa phương đi Vĩnh Phúc theo hướng cầu Vân Phúc. Cuối cùng, tại vị trí giao cắt với đường đê Vân Cốc, cầu Vân Phúc vượt qua đường đê và đảm bảo tĩnh không đường đê là 4,75 m.
Về tiến độ, dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn quý I/2024 - quý IV/2027. Trong quá trình thi công bố trí 2 đội thi công: trong đó 1 đội thi công đường theo kiểu cuốn chiếu gồm 35 người; 1 đội thi công cầu 35 người.
Dự kiến trong quý I/2024 dự án sẽ sẽ phát quang và giải phóng măt bằng; quý II/2024 - quý IV/2025 dự án sẽ thi công tuyến đường nối từ QL.32 đến đê Ngọc Tảo; quý I/2026 - quý IV/2026 sẽ làm Cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc; quý I/2027 - quý III/2027 sẽ thi công Cầu Vân Phúc qua sông Hồng; quý IV/2027 sẽ nghiệm thu công trình và đi vào vận hành.
ĐTM cho biết, tiến độ thực hiện và thi công Dự án c thể điều chỉnh từ 3-6 tháng tùy theo tình hình thực tế triển khai.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 112 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 2.507 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 449 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 376 tỷ đồng.