Hà Nội được đề xuất thí điểm là “thành phố nói không với thịt chó, mèo”

04/07/2023, 18:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều đại biểu đã thảo luận xoay quanh việc thí điểm xây dựng Hà Nội là "Thành phố nói không với thịt chó, mèo".

Hà Nội được đề xuất thí điểm là “thành phố nói không với thịt chó, mèo” - 1

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/HM

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 4/7, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội phối hợp với tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia và Tổ chức Soi Dog Foundation International tổ chức tọa đàm có chủ đề: "Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo): Chính sách, thách thức và cơ hội".

Theo thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế cho thấy, trung bình hằng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán và giết thịt tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới cho hay, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, tả.

Trong khi một bộ phận người dân đã ngừng tiêu thụ và phản đối việc ăn thịt động vật nuôi thì vẫn còn một số nhóm đối tượng coi thịt chó, mèo là đặc sản. Nhu cầu tiêu thụ là một trong những động lực chính thúc đẩy thị trường buôn bán và giết mổ thịt chó, mèo tiếp tục gia tăng.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã thảo luận xoay quanh việc thí điểm xây dựng Hà Nội là "Thành phố nói không với thịt chó, mèo".

Về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội chia sẻ, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học lớn của cả nước mà còn là "Thành phố vì hòa bình", nơi thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, việc kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo đã tạo những cảm xúc không tốt đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, chó, mèo nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không được tiêm phòng đầy đủ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh dại… và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho những người tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ hoặc sử dụng thịt chó, mèo.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trong đó tiến tới giảm trừ và chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo, trước hết phải thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại, xây dựng vùng an toàn bệnh dại, quản lý việc giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.

Các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác thông tin, tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức bắt giữ chó thả rông, vô chủ, khuyến khích các hoạt động nhân đạo, phúc lợi động vật…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo và phòng, chống dịch bệnh dại động vật, để từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo) là một vấn đề đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng. Quản lý động vật nuôi nói chung và quy định về phúc lợi động vật cũng là những nội dung mà các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang đưa ra bàn thảo.

Việt Nam đã có khung pháp lý cho công tác này, tuy nhiên thực thi pháp luật vẫn còn nhiều bất cập và cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của các bộ, ban, ngành, các tổ chức và đoàn thể nhằm giảm thiểu các mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và cách phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội được đề xuất thí điểm là “thành phố nói không với thịt chó, mèo”