Trả lời ý kiến của người dân, ông Nguyễn Tiến Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết, theo các hồ sơ, văn bản còn lưu giữ tại xã, thời điểm những năm 1990, các hộ nhận ki ốt đều có văn bản xin mượn đất với cam kết: “ Khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng phải trả lại mặt bằng theo kế hoạch mà không bồi thường ”.
Thế nhưng qua thực tế hàng chục năm sử dụng, một số hộ dân đã tự sang nhượng, xây dựng kiên cố và có biểu hiện lấn chiếm diện tích nhiều so với diện tích đất được bàn giao.
Ngay từ đầu năm 2022, UBND xã Nam Hồng đã họp để thông tin rộng rãi đến người dân về các nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Trong đó, nhiều lần tổ chức hội nghị đã thông tin đầy đủ về nội dung, quy mô của dự án, kế hoạch thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động các hộ ủng hộ và phối hợp bàn giao trả lại diện tích đất ki ốt để thực hiện dự án theo đúng kế hoạch.
Thế nhưng đến nay 36 hộ dân đang sử dụng ki ốt vẫn chưa chịu di dời tài sản, bàn giao mặt bằng sạch cho địa phương để chuẩn bị tiến hành thực hiện dự án. UBND xã Nam Hồng đã tiến hành lập biên bản đối với các hộ xây dựng vi phạm.
Ông Nguyễn Tiến Dương cũng nêu rõ: “ Khu vực xây dựng 2 dãy ki ốt tại 2 thôn trên bản đồ địa chính thể hiện là đất công ích do UBND xã quản lý nên các ý kiến, kiến nghị về hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và cấp “sổ đỏ" cho người sử dụng ki ốt là không có cơ sở thực hiện. UBND xã đã tổ chức công khai rộng rãi tới người dân về đề án xây dựng công trình phúc lợi, được đông đảo Nhân dân đồng tình.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, sau khi tuyên truyền vận động, nếu các hộ đang sử dụng kiốt ở 2 thôn trên không bàn giao mặt bằng, thời gian tới, xã sẽ thiết lập hồ sơ, xin ý kiến để tiến hành cưỡng chế, giải tỏa, tháo dỡ các ki ốt theo thẩm quyền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ".
Cũng tại buổi đối thoại với người dân, ông Vũ Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, việc giải tỏa 2 dãy ki ốt tại xã Nam Hồng để xây dựng công trình phúc lợi là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu xã Nam Hồng thực hiện sai quy định của pháp luật, sẽ có những cơ quan chức năng kiểm tra giám sát, xử lý. Do vậy, người dân đang sử dụng ki ốt cần sớm bàn giao mặt bằng cho xã vì mục đích chung, đảm bảo quy định của pháp luật.
“ Xã Nam Hồng đã rất quan tâm và tiếp nhận ý kiến của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất thì khu vực ki ốt của người dân không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cũng như nhận tiền đền bù tài sản trên đất.
Để phát triển huyện Đông Anh thành quận và xã thành phường thì cần có những khu sinh hoạt cộng đồng. Các quy hoạch đó đã được xin ý kiến Nhân dân. Khi thực hiện, không chỉ có xã Nam Hồng mà huyện Đông Anh cũng giải toả nhiều diện tích đất công, đất lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích, phục vụ cho việc xây dựng các công trình phúc lợi… ”, ông Vũ Văn Thanh nhấn mạnh.
Cuối buổi đối thoại với người dân, ông Nguyễn Tiến Dương cũng chia sẻ về những tiếc nuối khi phải thu hồi khu ki ốt, từng là nơi mưu sinh, gắn bó với nhiều kỷ niệm của người dân. Lãnh đạo xã cũng chia sẻ với hàng chục hộ dân vì không thể thực hiện đền bù khi người dân xây dựng không đúng theo quy định của pháp luật, mong người dân vì mục tiêu chung mà chia sẻ và ủng hộ để xây dựng huyện Đông Anh không chỉ xanh, sạch và đẹp hơn mà còn phát triển hơn về kinh tế, xã hội.