|
Các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài khu/cụm công nghiệp phải đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương về số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất.
Chủ tịch các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu/cụm công nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân.
Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ" hoặc "một cung đường 2 điểm đến".
Các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách...) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở, như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...
Thành phố dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm").
Quy định dừng các hoạt động vận tải hành khách nêu trên chỉ trừ các trường hợp: Phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Đây là lần thứ hai Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16. Trước đó, đầu tháng 4/2020, cùng với 11 tỉnh thành "nguy cơ cao", Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 trong gần một tháng.