Tạo tâm thế vững vàng khi triển khai sách giáo khoa mới
Cô Nguyễn Thị Bình Minh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) nhận định: Việc được lắng nghe các nhóm tác giả giới thiệu, làm rõ ưu điểm và tính đổi mới của từng bộ sách đồng thời được nghiên cứu, tìm ra bộ sách có chương trình và cấu trúc phù hợp với sự phát triển năng lực, phẩm chất của đối tượng học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy là một hoạt động vô cùng cần thiết bởi giáo viên là người rõ nhất khả năng và nhu cầu học tập của học sinh.
Qua buổi tập huấn, các giáo viên đã cơ bản hình dung nội dung của các bộ sách mới với điểm nổi bật là được thiết kế theo hướng mở, có cấu trúc mạch lạc, rõ ràng, tập trung phát huy năng lực cá nhân; nội dung gồm các bài học gắn liền với thực tế, gần gũi với học sinh, phù hợp với xu thế hiện nay.
Sách giáo khoa mới cũng chú trọng đến phát triển các kĩ năng của học sinh qua việc tích hợp kiến thức. Các bài học được lựa chọn phù hợp với khả năng của trẻ em. Hệ thống bài học đa dạng, nội dung linh hoạt tạo hứng thú học tập cho học sinh; tạo điều kiện cho học sinh suy luận, phát triển kĩ năng học tập. Hơn nữa, hình thức trình bày sách giáo khoa mới có tính thẩm mĩ cao, kênh hình, kênh chữ phong phú, đẹp mắt, trình bày khoa học thu hút sự chú ý của học sinh.
Ngoài ra, sách mới viết rõ ràng, rành mạch, hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy, giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, sách mới có bộ học liệu điện tử đi kèm giúp giảm nhẹ gánh nặng lên giáo viên mỗi giờ lên lớp, tăng cường tương tác, hiệu quả dạy học hơn nữa.
Sau hội thảo, Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên đã có thêm những hiểu biết sâu sắc về cấu trúc, nội dung của các cuốn sách giáo khoa mới trong các bộ sách. Từ đó, có cơ sở vững chắc để quyết định lựa chọn cuốn sách phù hợp với hoạt động dạy học trong nhà trường; đồng thời tạo cho giáo viên tâm thế vững vàng để chuẩn bị cho việc triển khai vận dụng hiệu quả bộ sách giáo khoa mới trong công tác dạy, học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Cô thầy Đào Ngọc Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) cho biết: Tại buổi tập huấn, giáo viên của trường đã được hướng dẫn về cấu trúc sách giáo khoa, học liệu bổ trợ của các bộ sách; hướng dẫn sự đổi mới, cách triển khai của phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực ở đó giáo viên tập trung tổ chức các hoạt động học của học sinh, phát triển năng lực học sinh; hướng dẫn sử dụng học liệu điện tử trong quá trình giảng dạy.
Hiện sách giáo khoa mới, bao gồm cả bản in và bản điện tử đã được chuyển tới các tổ chuyên môn để tổ chức cho giáo viên nghiên cứu. Nhà trường sẽ thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, bắt đầu bằng việc tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá các sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học.