Không chỉ khai thác các tiềm năng thế mạnh, Hà Nội còn nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” tổ chức đánh giá kết quả thực hiện.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng, trong đó chỉ tiêu: Tỉ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỉ lệ thôn - làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; Tỉ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỉ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm…
Hà Nội đặt chỉ tiêu xây dựng thêm 130 trường chuẩn quốc gia, tổng số trường được công nhận là 167 trường, đạt 128% kế hoạch.
Đến nay, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3% (1.805/2.809 trường), trong đó công lập chiếm 79,3%. Đến năm 2025, thành phố đặt chỉ tiêu phấn đấu công nhận thêm 10 trường chất lượng cao, đến nay đã công nhận thêm mới được 5 trường chất lượng cao.
Về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh,... thành phố nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp kịp thời được phát hiện, biểu dương và tôn vinh.
Về phát triển công nghiệp văn hóa, theo ghi nhận chung, các địa phương, đơn vị tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực...
Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023, khách nội địa ước đạt 10,91 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục.
Đó là việc phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa sau đầu tư của các quận, huyện, thị xã được giám sát chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhận thức về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn chưa thực sự sâu sắc, toàn diện.
Việc phát triển hệ thống các trường dạy nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Một số chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chưa đạt yêu cầu đề ra. Chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm hoàn thành theo chương trình, kế hoạch.
Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra ở nhiều nơi...
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 đề nghị cần quan tâm hơn trong phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy phát triển du lịch.
Theo ông Phong, việc phát triển công nghiệp văn hóa để đẩy mạnh hoạt động du lịch không phụ thuộc vào việc địa phương ở xa hay gần trung tâm mà phụ thuộc vào nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu.
Ông Phong cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu việc lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong phát triển văn hóa; rà soát việc thực hiện và các hoạt động liên quan đến cam kết với UNESCO về phát triển Thành phố sáng tạo.