Hà Nội thí điểm thực hiện cho thuê vỉa hè với giá 45.000 đồng/m2 một tháng
Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ. Tuy nhiên, một số người dân lại không đồng tình.
Việc thí điểm cho sử dụng vỉa hè có thu phí để làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, hay làm nơi trung chuyển vật liệu, phế thải..., điều này khiến nhiều người băn khoăn không còn chỗ cho người đi bộ, mất mĩ quan đô thị và quản lý trật tự các khu vực vỉa hè cho thuê như thế nào?
Trên nhiều diễn đàn, rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không đồng thuận, bởi “vỉa hè là dành cho người đi bộ”, “vỉa hè là nơi đi bộ, là tài sản sở hữu công, sao lại có thể dùng cho thuê?”...
Nhiều người dân sinh sống tại các tuyến phố trên cũng bày tỏ quan điểm không đồng thuận. Bà T. - một người dân sống trên phố Lý Thường Kiệt không đồng thuận kế hoạch đề xuất trên. Người này cho hay, tại số 94 Lý Thường Kiệt, gần nơi bà sinh sống, vốn đã tồn tại một quán cà phê sử dụng tạm thời một phần hè phố, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, gây khó khăn cho người đi bộ. “Nếu cho thuê thì người dân đi bộ đi thế nào được, phải xuống lòng đường đi à? Người dân không đồng ý cho thuê kiểu này”, bà T. bày tỏ rõ quan điểm.
Với chị Nguyễn H. (người dân sống ở phố Lê Phụng Hiểu) thì bày tỏ: “Vào thời điểm dịch bệnh phức tạp, chắc không có ai quan tâm vỉa hè được sử dụng làm gì vì hàng quán sau 9h đã không được mở bán. Tuy nhiên, sau này cũng nên xem xét. Vỉa hè trên phố này không phải quá rộng, nếu giờ cắt ra cho người dân thuê để kinh doanh thì người đi bộ sẽ đi vào đâu? Còn nếu kinh doanh vào ban đêm thì vấn đề an ninh trật tự liệu có được đảm bảo? Cả tuyến phố này chỉ nên thực hiện cho thuê ở đoạn thông thoáng như bên hông một số khách sạn lớn”....
Chia sẻ với báo chí, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu cho thuê vỉa hè để kinh doanh dịch vụ như quận Hoàn Kiếm đề xuất nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm, kinh doanh trái phép tự phát, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, trật tự ATGT và vệ sinh môi trường là chưa rõ ràng. Một điểm cần làm rõ trong đề án thí điểm của quận Hoàn Kiếm, ai sẽ được ưu tiên sử dụng một phần vỉa hè? Được biết, giá thuê 45.000 đồng/m2/tháng được cho là rất thấp, nếu so với mức phí các đơn vị khác đang trả để sử dụng tạm thời hè phố nhằm trông giữ phương tiện.
“Người ta đang cho thuê giữ xe cả ngày lẫn đêm là 264 nghìn/m2/tháng, đây cho thuê có 45 nghìn/m2/tháng, bằng 1/6 thôi, thế là bất hợp lý rồi. Theo tôi, phải tổ chức đấu thầu, hoặc tìm kiếm một phương thức để tất cả mọi chủ thể được tham gia vào hoạt động kinh doanh vỉa hè đó để công bằng, bình đẳng, chứ không phải chỉ định thầu”, một chuyên gia kinh tế phân tích.
Trên thực tế, việc tổ chức, quản lý lại không gian trên vỉa hè là rất cần thiết, bởi dù muốn hay không thì nền kinh tế ngầm trên vỉa hè vẫn diễn ra, người kinh doanh vẫn mất chi phí, nhưng nguồn thu nhà nước thất thoát. Điều quan trọng là đơn vị triển khai có cách thức thực hiện khoa học, minh bạch và vì lợi ích chung hay không là điều mà các nhà quản lý phải cân nhắc kỹ.