Trong khuôn khổ lễ hội Du lịch Hà Nội 2024, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững gắn với văn hóa lịch sử.
Thủ đô Hà Nội với gần 6.000 di tích, 1.350 làng nghề, hệ thống nhà hát, bảo tàng… chính là nguồn tài nguyên di sản đặc sắc để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong khuôn khổ lễ hội Du lịch Hà Nội 2024, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững gắn với văn hóa lịch sử.
Giữa tháng 7/2024, Ban Chỉ đạo Chương trình 06 cũng nhận diện “việc phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác, phát huy giá trị các di tích chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế”. Hà Nội cũng đặt mục tiêu “điểm đến du lịch văn hóa toàn cầu”, với những sản phẩm du lịch mới có sức hút khách cả trong nước và quốc tế.
Sau tuyến du lịch Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản”, và tuyến du lịch cộng đồng bản miền Ba Vì với chủ đề “Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”, loạt mô hình sản phẩm du lịch khác được triển khai, như: Chuỗi sản phẩm du lịch đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò; tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long; tour đêm Văn miếu Quốc Tử Giám; tour văn học tại Bảo tàng Văn học; tour Ngọc Sơn “Đêm huyền bí”… nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của du khách.
Nằm trong mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, mới đây UBND TP Hà Nội đã quyết định công nhận thêm 4 điểm du lịch mới, gồm: Di tích quốc gia đặc biệt đền Quán Thánh, đền Voi Phục, điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch, điểm du lịch Kim Lan.
Đền Quán Thánh (190 phố Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình) nằm cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với khu vực phía Tây Bắc Hà Nội.
Ngày nay, đền Quán Thánh là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của người dân Thủ đô. Đồng thời, cũng nổi tiếng với du khách bởi kiến trúc độc đáo và các pho tượng đồng thể hiện nghệ thuật cương nhu đặc trưng của Đạo Giáo.
Đền Voi Phục (362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) là di tích quốc gia đặc biệt, được xếp vào hàng Thăng Long tứ trấn. Đền được lập từ thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long, thuộc địa phận làng Thủ Lệ.
Trong lịch sử, đền Voi Phục như một trấn thiêng ở phía Tây của thành Thăng Long. Ngày nay, đền Voi Phục được tôn tạo xứng tầm và được xác định là điểm sáng trong tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Điểm du lịch Đảo Ngọc - Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) được ví như viên ngọc quý giữa lòng Hà Nội, là điểm đến mới thu hút đông đảo người dân và du khách.
Với ý tưởng sáng tạo tái hiện hình ảnh tàu điện Hà Nội xưa, Đảo Ngọc không chỉ là nơi thưởng thức ẩm thực đặc sắc mà còn là điểm check-in thú vị dành cho người trẻ. Du khách có thể dạo bước trên con phố đi bộ rợp bóng cây, khám phá các gian hàng ẩm thực phong phú, tận hưởng không khí sôi động về đêm.
Điểm du lịch Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền lâu đời, mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu về nghề gốm thủ công.
Kim Lan cũng sở hữu những giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, thể hiện qua các di tích, đình - đền - chùa cổ kính. Không chỉ là điểm tham quan, Kim Lan còn thu hút du khách bởi không gian làng quê thanh bình, đem lại trải nghiệm du lịch thư giãn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, du lịch Thủ đô đang tăng trưởng rất mạnh, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là rất hấp dẫn khách du lịch quốc tế.
Thành phố luôn xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và quan tâm đầu tư, bảo vệ, bảo tồn các điểm du lịch, các di tích lịch sử lâu đời, để ngày càng đa dạng, phong phú các hình thức, điểm đến du lịch, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Có thể nói, nhờ những nỗ lực đổi mới trong công tác xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch khai thác giá trị văn hóa truyền thống, Hà Nội ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng của mình trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
Năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội tăng 27% so với 2022. Khách quốc tế tăng trưởng mạnh với 267% so với 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với 2022, vượt 13,83% so với kế hoạch đề ra.
Tuy đã đạt được những thành tựu ấn tượng, song giới chuyên gia nhận định Hà Nội vẫn chưa khai thác tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên di sản văn hóa.
Ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Hà Nội cho rằng, phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Điều này được thể hiện thông qua việc xây dựng các kế hoạch, dự án và sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề.
“Với gần 6.000 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, hơn 1.350 làng nghề, hệ thống thống nhà hát, bảo tàng… chính là nguồn tài nguyên di sản phong phú để kích cầu du lịch, thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Có thể thấy những cơ hội mở ra đối với Hà Nội trong phát triển du lịch văn hóa là rất lớn và có trọng tâm, cần nắm bắt để khai thác”, ông Quang cho hay.
Tại hội nghị “Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử” trong khuôn khổ lễ hội Du lịch Hà Nội 2024, đại diện Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, sự thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng với những giá trị đặc sắc đã và đang trở thành nguồn lực vô tận, góp phần thúc đẩy và hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa.
“Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc chính là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch làm động lực và tạo nguồn lực để tăng cường bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Đó là sự phát triển tương hỗ của du lịch và bảo tồn di sản”, bà Phạm Diễm Hảo (Sở Du lịch Hà Nội).