Trước đó, thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND Thành phố nêu rõ, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.
Mật độ dân số trung bình năm 2021 là 2.479,5 người/km2, dân cư phân bố không đều, tốc độ đô thị hóa phát triển tương đối nhanh, mật độ dân số tập trung tại các quận khá cao; trong đó, mật độ dân số trung bình của 12 quận là 12.069 người/km2 (cao nhất là quận Đống Đa 37.869 người/km2), cao gấp 4,5 lần so với mức dân số trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đã đạt 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với dự báo của quy hoạch chung.
Từ việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng như vậy đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện sinh sống khác cho người dân cư trú trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận nội thành.
Ban Pháp chế nhận định, việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian tới, UBND Thành phố cũng cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách, các giải pháp tăng cường công tác quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các khu vực trung tâm gắn với việc tái thiết đô thị để đảm bảo các điều kiện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế… cho người dân, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu quả trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.