Bác sĩ Tuấn dự kiến chiến dịch tiêm chủng cho trẻ sẽ ít thuận lợi hơn so với người lớn do trẻ thường sợ bác sĩ, có hiệu ứng dây chuyền, cần người nhà đi cùng chăm sóc dẫn tới tăng số lượng người đến địa điểm tiêm chủng... Vì vậy, để chủng ngừa hiệu quả và bảo đảm an toàn, cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại trường học... Trẻ cần được chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm. Phụ huynh nên động viên, trấn an trẻ để tránh tâm lý lo sợ.
Bên cạnh đó, trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng tự theo dõi và thông báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó, gia đình cần theo dõi sát phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu. Phụ huynh và trẻ nên ở lại điểm tiêm chủng trong vòng 30 phút sau tiêm để được cán bộ y tế theo dõi sát.
Kế hoạch tiêm vacicne Covid-19 cho trẻ em tại Hà Nội nằm trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc bắt đầu từ 29/10. Bộ Y tế đã phê duyệt hai loại vaccine sử dụng cho trẻ gồm Comirnaty của Pfizer và Spikevax của Moderna, kỳ vọng trong quý 4 tiêm ít nhất một mũi vaccine cho tất cả trẻ em 12-17 tuổi. Hiện TP HCM, Ninh Bình và Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi.
Tính đến hết ngày 30/10, cả nước đã tiêm tổng cộng 81,4 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn 57 triệu mũi một, 24,3 triệu mũi hai.