Hạ sốt học thêm, kết cục được báo trước

30/07/2023, 08:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong những năm gần đây, Trung Quốc, Hàn Quốc đồng loạt ban hành nhiều chính sách nhằm giảm áp lực thi cử và học thêm.

Tuy nhiên, nỗ lực trên đã kéo dài hàng thập kỷ mà không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Đề thi đại học “quá khó”

Kim Yerim, nữ sinh lớp 11 sống tại Seoul (Hàn Quốc), đang ở trong trạng thái lo lắng. Chỉ còn một năm nữa, Yerim sẽ thi đại học nhưng kế hoạch học tập của em đã bị đảo lộn khi chính phủ siết việc dạy thêm.

“Tôi cảm thấy lo lắng về những hậu quả tiềm ẩn của quy định mới đối với tương lai của mình. Bài thi đại học có mức độ đánh giá năng lực tương đối. Các câu hỏi khó nhằm phân loại học sinh, là cơ hội tốt để học sinh khá, giỏi thể hiện khả năng của mình”, Yerim cho hay.

Hồi cuối tháng 6, Chính phủ Hàn Quốc thông báo những câu hỏi “hóc búa” sử dụng kiến thức ngoài sách giáo khoa để đánh đố học sinh sẽ bị loại khỏi đề thi đại học. Như vậy, từ năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học Hàn Quốc (còn gọi là Suneung) sẽ chỉ gồm những câu hỏi liên quan đến kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông. Quyết định này được đưa ra khi Tổng thống Yoon Suk Yeol chỉ trích đề thi đại học là “quá khó và cần giảm áp lực thi cử và học thêm”.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đặt câu hỏi: “Nếu bài thi yêu cầu thí sinh phải có kiến thức nền và giải đáp những nội dung không có trong chương trình giáo dục phổ thông thì đồng nghĩa thí sinh phải phụ thuộc vào các trung tâm luyện thi tư nhân hay sao? Điều này là rất không công bằng”.

Động thái mới đây của Chính phủ Hàn Quốc nằm trong sáng kiến kéo dài hàng thập kỷ nhằm trấn áp ngành giáo dục tư nhân đang bùng nổ. Dù số lượng học sinh trên toàn quốc trong những năm gần đây giảm, chi tiêu quốc gia cho giáo dục tư nhân tại Hàn Quốc đã tăng lên mức 26 nghìn tỷ won (20 tỷ USD).

Vào năm 2022, chi phí học thêm tư nhân theo tháng lên cao kỷ lục lên mức 410.000 won, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Những gia đình có điều kiện thậm chí đã chi gần 650.000 won cho việc học thêm theo tháng của con cái, gấp 5 lần mức chi của các gia đình thu nhập thấp.

Theo nghiên cứu của tổ chức tài chính Jefferies (JEF), Hàn Quốc đứng đầu danh sách 14 quốc gia có chi phí nuôi dạy con đắt đỏ nhất thế giới dù tỷ lệ sinh của nước này thấp nhất trong các nước OECD. Nghịch lý này đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng đối với nền kinh tế của “xứ sở kim chi”.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã cố gắng xoa dịu cuộc cạnh tranh học tập căng thẳng bằng nhiều biện pháp. Năm 1980, Tổng thống Chun Doo-hwan đã cấm tổ chức dạy thêm ngoài giờ học. Mục tiêu của ông giống với Trung Quốc hiện nay, là xây dựng môi trường giáo dục công bằng, giảm áp lực tài chính của phụ huynh.

Ý tưởng bình đẳng giáo dục nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân cả nước. Cùng năm, chính phủ triển khai ý tưởng đồng phục trong trường học để xóa bỏ sự phân biệt. Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, đến khi sinh viên đại học được phép làm thêm gia sư. Chính phủ cũng cấp phép cho một số tổ chức giáo dục tư nhân. Nhưng việc dạy thêm vẫn được coi là vi phạm pháp luật.

Trong những năm 1990, chính phủ thường xuyên truy quét, xử lý nặng giáo viên cố ý dạy thêm. Một số người đã phải ngồi tù. Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ không thành công vì tầng lớp giàu có liên tục tìm cách lách luật. Năm 1998, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Seoul, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước, bị buộc từ chức vì mở lớp dạy thêm cho con gái.

Hạ sốt học thêm, kết cục được báo trước ảnh 1

Biển hiệu của các trung tâm dạy thêm trên một góc phố ở Seoul, Hàn Quốc.

Không thể điều trị dứt điểm

Đến đầu những năm 2000, tòa án Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm dạy thêm sau khi phán quyết rằng lệnh này vi phạm quyền giáo dục cá nhân. Sau hơn 2 thập kỷ, các trung tâm dạy thêm mọc lên như nấm trên Hàn Quốc, thu học phí cao, lịch học dày đặc. Dần dần, các trung tâm này đã trở thành thành phần không thể thiếu đối với việc học tập của học sinh Hàn Quốc.

Hàng thập kỷ cải cách giáo dục ở Hàn Quốc đã chứng minh rằng nó chỉ làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc có hệ thống vào các trung tâm dạy thêm. Nhiều chuyên gia cũng như học sinh nhận định biện pháp mới đây cũng có thể thất bại trong việc giải quyết gốc rễ các vấn đề giáo dục ở Hàn Quốc, vốn được thúc đẩy bởi văn hóa cạnh tranh giáo dục.

Và chính sách loại bỏ câu hỏi khó khiến hàng nghìn học sinh cuối cấp lẫn giáo viên, phụ huynh lo lắng về mức độ cạnh tranh và phân loại học sinh trong đề thi. Các trường đại học cũng sẽ gặp khó khăn khi lựa chọn ra những ứng viên xuất sắc nhất.

Nữ sinh Yerim chia sẻ: Một học sinh sẽ khó tự mình chuẩn bị cho các kỳ thi ở trường trong khi các trung tâm dạy thêm lại phát cho chúng tôi nhiều tài liệu học tập. Nếu không có những tài liệu này, học sinh khó làm được bài kiểm tra. Nhìn bạn bè đăng ký học thêm, tôi cảm thấy mình đang bị bỏ lại phía sau nếu không làm điều tương tự.

“Chính sách giống như xoa dịu các triệu chứng chứ không điều trị dứt điểm căn bệnh. Giáo dục luôn là vấn đề nóng ở Hàn Quốc trừ khi văn hóa coi trọng bằng cấp giáo dục giảm bớt”, nữ sinh cho hay.

Chia sẻ với tờ TIME, PGS Sonia Exley, chuyên gia Khoa Chính sách xã hội tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhìn nhận gốc rễ vấn đề nằm ngoài chính sách giáo dục. Một trong những nguyên nhân chính là mức độ phân cực trong thị trường lao động.

Số lượng việc làm tại các công ty hàng đầu Hàn Quốc là có hạn nên việc làm chất lượng cao là cực kỳ cạnh tranh. Để tìm được những việc làm này, học sinh buộc phải học thật giỏi, thi vào các trường đại học hàng đầu.

Những cải cách giáo dục trong quá khứ hầu như không làm giảm tính cạnh tranh trong học tập, thay vào đó khiến phụ huynh, học sinh lo lắng và đầu tư nhiều hơn cho các trung tâm dạy thêm tư nhân. Biện pháp mới đây của chính phủ dự kiến cũng sẽ gây ra tác động tương tự.

Chuyên gia Exley phân tích: Phụ huynh hiểu rằng nếu loại bỏ câu hỏi khó, kỳ thi sẽ trở nên dễ dàng hơn nhưng thay vì yên tâm, họ lại lo lắng làm thế nào con cái có thể giành suất học trong các trường danh tiếng.

Bởi lẽ, chỉ tiêu của các trường tốp đầu sẽ không tăng mà nhu cầu của thí sinh là rất lớn nên họ phải tìm cách khác cho con. Trong lịch sử Hàn Quốc, các trung tâm dạy thêm đón đầu những thay đổi giáo dục rất nhanh, lợi dụng sự lo lắng của phụ huynh để trục lợi.

Hạ sốt học thêm, kết cục được báo trước ảnh 2

Học sinh Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi đại học.

Bùng nổ “dạy chui”

Câu chuyện này đã và đang xảy ra tại Trung Quốc, đất nước sở hữu văn hóa coi trọng giáo dục không hề kém cạnh Hàn Quốc. Hồi năm 2021, Chính phủ Trung Quốc bất ngờ đưa ra chính sách giáo dục “giảm kép” nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh.

Theo đó, chính phủ yêu cầu các trung tâm dạy thêm phải đóng cửa hoặc chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận, không cấp phép cho các trung tâm mới. Trường học giảm bớt khối lượng và độ khó của bài tập về nhà hàng ngày.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, chính sách này đã gặt hái được một số kết quả tích cực. Khảo sát năm 2022 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, 73% phụ huynh cho biết thời gian hoàn thành bài tập về nhà của học sinh ngắn hơn nhiều so với trước khi thực hiện chính sách. 85,4% phụ huynh hài lòng về các môn sau giờ học tại trường.

Còn đánh giá của Bộ Giáo dục Trung Quốc chỉ ra số lượng học sinh hoàn thành bài tập về nhà trong thời gian quy định đã tăng đến hơn 90%. Tỷ lệ học sinh tự nguyện tham gia các môn sau giờ học tăng lên 92,2%.

Tuy nhiên, phía sau đó tồn tại không ít thách thức. Một trong những tác động lớn nhất của chính sách “giảm kép” là “dạy chui” bùng nổ. Trong quý II/2022, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiến hành điều tra 140 nghìn trung tâm dạy thêm trên toàn quốc và phát hiện 3 nghìn trung tâm dạy thêm bất hợp pháp.

Gần 500 trung tâm vẫn tiếp tục hoạt động sau khi tuyên bố đóng cửa. Trong dịp hè, thị trường “dạy chui” càng nhộn nhịp vì phụ huynh sợ con sẽ tụt hậu so với bạn bè nếu không trau dồi kiến thức trong thời gian nghỉ.

Hạ sốt học thêm, kết cục được báo trước ảnh 3

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học Trung Quốc hồi tháng 7/2023.

Giá học thêm tăng gấp 10 lần

Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, nhìn nhận: Thực tế lệnh cấm không mang lại hiệu quả trong thời gian qua. Thậm chí, chính sách này còn dẫn đến tình trạng một số giáo viên nghỉ trên trường để dạy chui.

Những trung tâm dạy thêm bất hợp pháp chủ yếu phục vụ các gia đình giàu có, có mối quan hệ rộng rãi; từ đó giúp trẻ em thuộc tầng lớp trung, thượng lưu vươn lên trong học tập. Họ thường đánh vào tâm lý sợ con học dốt của phụ huynh. Đơn cử, các trung tâm thường quảng cáo với nội dung: “Hãy để chúng tôi đào tạo con bạn. Nếu không, chúng tôi sẽ đào tạo đối thủ của họ”.

Những trung tâm quy mô nhỏ hoặc các lớp gia sư thường không quảng bá công khai dịch vụ nhưng phụ huynh thường dò hỏi hoặc giới thiệu cho nhau trong mạng lưới bí mật. Có những gia sư đã kín lịch dạy thêm trong vài năm tới.

Việc tổ chức dạy thêm bất hợp pháp được cho là đáp ứng nhu cầu học thêm của phụ huynh Trung Quốc vì họ không hài lòng với chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông. Trong cuộc khảo sát tháng 6/2022 của tờ báo China Youth Daily, 62% phụ huynh cho rằng các trường học cần cải thiện chất lượng đào tạo.

Sự tồn tại của thị trường chợ đen còn đẩy giá dạy thêm lên cao, nhất là với các lớp gia sư. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, một giờ học gia sư một kèm một có giá khoảng 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng). Con số này đã tăng gấp 10 lần so với trước đây, tương đương 1/4 mức thu nhập trung bình của dân công sở.

Không chỉ có nguy cơ phá vỡ chính sách “giảm kép”, việc dạy chui đang khoét sâu vào bất bình đẳng giàu – nghèo tại Trung Quốc. Với số tiền học thêm tăng cao như trên, chỉ những gia đình giàu có mới đủ điều kiện thực hiện còn những gia đình nghèo, gia đình nông thôn... không có cơ hội.

Tuy nhiên, có cung ắt sẽ có cầu nên các trung tâm dạy thêm, nhắm đến các gia đình khá giả, vẫn tiếp tục tìm cách lách luật. Như vậy, sau gần 3 năm qua, chính sách “giảm kép” chưa thực sự tạo được chuyển biến rõ rệt và đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra.

Nước này vẫn đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để củng cố và triển khai chính sách “giảm kép” như thanh tra dạy thêm; gỡ bỏ các quảng cáo dạy thêm đánh vào tâm lý của phụ huynh; nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất cho trường học...

Từ khi khủng hoảng nhân khẩu học xuất hiện, Chính phủ Hàn Quốc đã rốt ráo kiểm soát các trung tâm dạy thêm tư nhân (còn gọi là hagwon) với khoảng 80% học sinh cả nước theo học. Riêng tại Seoul, số trung tâm luyện thi là 24.000 cơ sở, gấp 3 lần số cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Đây không phải lần đầu tiên chính phủ mạnh tay với việc học thêm dạy thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ sốt học thêm, kết cục được báo trước