![]() |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trong việc đào tạo, hai Đại học Quốc gia có sự khác biệt với các cơ sở giáo dục đại học khác. Bởi đây là những trung tâm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; nơi thí điểm đào tạo các lĩnh vực mới, trong tương lai; đào tạo lĩnh vực liên ngành, công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, các ngành khoa học cơ bản nền tảng mà Nhà nước cần nhưng xã hội ít nhân lực.
Đại học Quốc gia cũng là nơi Nhà nước đặt hàng cho những mục tiêu riêng của quốc gia.
Từ những đặc thù này, hai Đại học Quốc gia đã và đang được thực hiện việc mở các mã ngành đào tạo. Trong số các ngành thí điểm, nhiều ngành đã được đưa vào danh mục mã ngành đào tạo quốc gia. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xem xét để giúp các đơn vị năng động hơn trong lĩnh vực đào tạo.
Bộ trưởng cũng đề nghị hai đơn vị nhấn mạnh việc tập trung đào tạo và nghiên cứu các ngành mũi nhọn và ngành công nghệ cao.
Về đội ngũ nhân sự, Bộ trưởng nêu thực tế ĐH Quốc gia TPHCM, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở mức 39,4%. Đây là mức trung bình, thấp hơn một số trường ngoài Đại học Quốc gia. Do đó, đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đội ngũ.
"Nếu không, các ý tưởng về việc mở trường mới, ngành mới, mô hình tổ chức mới sẽ ít phát huy tác dụng", Bộ trưởng nói.
Về hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc hàng đầu của hai Đại học Quốc gia là “xây nhà”, đặc biệt ở ĐH Quốc gia Hà Nội.
Khác với ĐH Quốc gia TPHCM, khi khuôn viên đã hình thành tương đối các cơ sở, trường học, ĐH Quốc gia Hà Nội hiện chỉ mới xây dựng được vài tòa nhà.
Do đó, Bộ trưởng đề xuất Phó Thủ tướng báo cáo Chính phủ, Thường trực Chính phủ đầu tư tập trung, dứt điểm và phù hợp với các dự án này.
Với Nghị định dành cho hai Đại học Quốc gia, Bộ trưởng cho biết nội dung dự thảo đã được chuẩn bị tương đối, đang trình để xin ý kiến các bộ, ngành.
“Vì Nghị định này để hướng dẫn các nội dung ở Luật Giáo dục đại học nên không thể vượt qua luật này. Do đó, nếu thực sự cần cơ sở pháp lý để Đại học Quốc gia có quyền chủ động cao nhất, phải đặt vấn đề làm Luật Đại học Quốc gia riêng”, Bộ trưởng nói.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu để trả lời các đề xuất, kiến nghị của 2 Đại học Quốc gia, các giảng viên và các nhà khoa học.
Sắp tới, Nghị định về hai Đại học Quốc gia phải khắc phục được tồn tại của mô hình này, xác định được các nhiệm vụ lớn, đủ tầm cho hai đơn vị.
Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các Đại học Quốc gia cần xem xét lại quá trình gần 30 năm hình thành, phát triển, xác định những vướng mắc cần giải quyết cũng như tầm nhìn, hướng đi để phát triển.
Phó Thủ tướng đề nghị hai Đại học Quốc gia cụ thể chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các chính sách, pháp luật. Trong đó, cần quan tâm cơ chế tổ chức, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, trung tâm khởi nghiệp, hệ sinh thái…
Nghị định sắp tới phải đặt ra được tầm nhìn và mong muốn về Đại học Quốc gia. Từ đó, bằng nguồn lực Nhà nước, cơ chế chính sách, mô hình vận hành, xã hội hóa để đạt được mục tiêu.
![]() |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hai Đại học Quốc gia cần có đề án tổng thể trên cơ sở pháp lý và nhìn nhận về vị trí, tầm quan trọng của mình; đề xuất với Nhà nước những việc cần đầu tư, đặt hàng, những vấn đề mà Đại học Quốc gia với chiến lược phát triển của mình sẽ phải thực hiện.
Hai Đại học Quốc gia phải tập trung vào các vấn đề mà các cơ sở giáo dục khác chưa quan tâm, chưa đạt, bao gồm đầu tư có tính dài hạn, đầu tư cho lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành mũi nhọn.
Ngoài ra, để Đại học Quốc gia và các trường đại học phát triển, Phó Thủ tướng đề nghị hai đơn vị cần tập trung đổi mới việc quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy.
Đề nghị Đại học Quốc gia sẽ tham gia cùng Chính phủ, các bộ ngành để hoàn thiện cơ chế, giúp Đại học Quốc gia hoạt động thuận lợi hơn trong thời gian tới.