Đến năm 2050, Hải Dương sẽ xây dựng nâng cấp mở rộng đường gom, đường song hành hai bên đồng bộ với hệ thống đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có quy mô 6 làn xe, đường gom hai bên tối thiểu cấp III, tích hợp tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng chạy song song tiếp giáp.
Đối với cao tốc Nội Bài – Hạ Long, tuyến sẽ được xây dựng theo định hướng quy hoạch giao thông đường bộ đã phê duyệt (tuyến đường chạy qua địa bàn tỉnh với chiều dài khoảng 20 km, quy mô 4 làn xe). Giai đoạn đến năm 2030, Hải Dương xác định xây dựng quy mô, phân kỳ đầu tư theo đinh hướng của Bộ GTVT. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng toàn tuyến đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch, đồng thời xây dựng hệ thống đường gom hai bên với quy mô đường gom tối thiểu cấp III.
Trong khi đó, đường vành đai 5 vùng thủ đô sẽ được quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 theo định hướng quy hoạch giao thông đường bộ đã phê duyệt, trở thành tuyến đường trục Bắc - Nam chính của tỉnh. Tuyến đường qua tỉnh Hải Dương với chiều dài khoảng 53 km, quy mô 6 làn xe trong đó tại điểm cầu vượt sông Luộc đi trùng đường trục Bắc – Nam đến đường ĐT 392 có chiều dài khoảng 9 km. Giai đoạn đến năm 2030, xây dựng quy mô, phân kỳ đầu tư theo đinh hướng của Bộ Giao thông vận tải, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cấp toàn tuyến đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch, đồng thời xây dựng hệ thống đường gom hai bên với quy mô đường gom tối thiểu cấp III.
Ngoài ra, đối vớy quốc lộ 5 đoạn qua TP Hải Dương, tỉnh này dự kiến xây dựng đường trên cao quy mô tối thiểu 4 làn xe.Vào hồi tháng 3/2023, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã nhất trí thông qua các nghị quyết xây dựng 3 cầu và đường dẫn cầu tại kỳ họp thứ 15. Tổng số vốn đầu tư của các dự án này lên tới gần 1.700 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.
Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến các công trình giao thông bao gồm: xây dựng cầu Tân An và đường dẫn nối QL18 ở Hải Dương; cầu vượt sông Kinh Môn; đường dẫn cầu Cậy mới ở Cẩm Giàng.