Hai mặt của ChatGPT

Tú Anh | 13/02/2023, 08:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù mới xuất hiện từ cuối năm 2022, siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang dần thay đổi giới học thuật toàn cầu.

“Đàn áp” là phản ứng của một số cơ sở giáo dục trước siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Đơn cử, các trường công lập ở thành phố New York, Mỹ, mới đây thông báo sẽ chặn quyền truy cập ChatGPT trên máy tính và hệ thống Internet của trường với lý do “lo ngại về tác động tiêu cực đến học sinh và tính an toàn, chính xác của nội dung”.

Một số địa phương khác tại Mỹ như thành phố Seattle, bang Washington, cũng hạn chế truy cập. Ông Tim Robinson, phát ngôn viên của hệ thống trường công lập thành phố Seattle, chia sẻ với The Straits Times rằng ChatGPT đã bị chặn trên các thiết bị của trường từ tháng 12 cùng với 5 công cụ gian lận khác.

Có thể thấy đối với không ít chuyên gia giáo dục, ChatGPT chính là một công cụ gian lận. Tuy nhiên, số khác cho rằng việc loại ChatGPT khỏi lớp học là động thái sai lầm.

Ông Kevin Roose, tác giả sách “Futureproof: 9 Rules for Humans in the age of automation” (Tạm dịch: “Minh chứng từ tương lai: 9 quy tắc dành cho con người trong thời đại tự động hóa”), lập luận: Các trường có thể chặn ChatGPT trong khuôn viên trường nhưng học sinh, sinh viên có điện thoại, máy tính hay bất kỳ phương tiện nào khác để truy cập hệ thống ngoài lớp học.

Sử dụng phần mềm kiểm tra gian lận, đơn cử như công cụ GPTZero do sinh viên Đại học Princeton xây dựng, cũng không đảm bảo chính xác 100%. Người học chỉ cần thay đổi vài từ hoặc câu trong nội dung của ChatGPT là có thể “qua mắt” các phần mềm truy quét.

Chưa kể, ChatGPT chỉ là một công cụ AI mới. Trong tương lai, sẽ có những ứng dụng tương tự khác được phát triển để sinh viên thoải mái lựa chọn sử dụng. Các nhà giáo dục không thể cấm tất cả các phần mềm như vậy hay tiêu tốn thời gian ngăn chặn chúng.

Ông Kevin Rose nhận định: “Dễ hiểu tại sao các nhà giáo dục cảm thấy bị đe dọa bởi ChatGPT bởi nó xuất hiện đột ngột, hoạt động khá tốt và phổ biến trong môi trường học thuật. Nhưng thay vì cấm ChatGPT, tôi cho rằng các trường nên coi nó như công cụ hỗ trợ giảng dạy và giúp người học làm quen tốt hơn với trí tuệ nhân tạo khi trưởng thành”.

Thích ứng để cùng phát triển

Hai mặt của ChatGPT ảnh 2
Giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để hỗ trợ giảng dạy.

Thích ứng với siêu trí tuệ nhân tạo là động thái phổ biến hiện nay của ngành giáo dục toàn cầu.

Ở một số trường đại học Mỹ như George Washington, Rutgers, Appalachian..., các giáo sư đang thiết kế bài tập theo hướng mở. Họ không còn giao sinh viên “viết 5 trang về vấn đề...” mà yêu cầu các em đưa câu chuyện cá nhân vào bài viết hoặc dẫn chứng có tính thời sự. Thay vì bài tập về nhà, các trường yêu cầu sinh viên làm bài tập trên lớp, viết tay, làm việc nhóm hoặc phỏng vấn.

Đại học Washington, Đại học Vermont đang sửa đổi chính sách liêm chính học thuật trong việc sử dụng AI và làm rõ định nghĩa đạo văn khi sử dụng ChatGPT.

Sau khi phát hiện sinh viên gian lận, GS Antony Aumann cũng đã thay đổi phương pháp thi viết luận trong lớp học. Ông đưa ra đề bài tại lớp, yêu cầu sinh viên lên dàn ý và nộp lại trước khi hết giờ học mà không được tham khảo thiết bị công nghệ. Nếu dàn ý ban đầu và bài luận có nhiều điểm khác biệt, sinh viên sẽ phải giải thích về lý do và nội dung thay đổi.

Còn tại Australia, Nhóm 8 trường đại học hàng đầu (G8) đã thay đổi cách kiểm tra đánh giá. TS Matthew Brown, Phó Giám đốc điều hành G8, cho biết các trường đang bồi dưỡng nhân viên, thiết kế lại hệ thống đánh giá hay sử dụng công nghệ quét đạo văn... Một trong công cụ quét đạo văn phổ biến là Turnitin.

Ở Singapore, do ChatGPT xuất hiện trong kỳ nghỉ Đông nên các trường học chưa ghi nhận tình trạng gian lận bài tập. Tuy nhiên, các trường đã nhanh chóng khảo sát, đánh giá tình hình và lên phương án “sống chung” với trí tuệ nhân tạo.

Mô tả ChatGPT là “đột phá”, GS Công nghệ và Truyền thông Lim Sun Sun, Đại học Quản lý Singapore (SMU), cho biết trí tuệ nhân tạo không hẳn là một mối đe dọa mà ngược lại, nó có thể nâng cao khả năng học tập của học sinh.

Thay vì nộp những bài tập được AI làm sẵn, sinh viên phải xây dựng kỹ năng đánh giá vấn đề, áp dụng trải nghiệm thực tế và nắm bắt thời sự...

SMU đang phát triển chính sách quản lý việc sử dụng công cụ công nghệ làm bài tập, đưa giáo dục liêm chính trong học tập vào nội dung giảng dạy và sử dụng những biện pháp phát hiện gian lận.

Ở phía ngược lại, giáo viên cũng có thể sử dụng ChatGPT để hỗ trợ giảng dạy. Thầy Jon Gold, giáo viên Lịch sử tại Trường Moses Brown (Mỹ), chia sẻ đã thử nghiệm sử dụng ChatGPT để tạo câu hỏi trên lớp.

Thầy giáo đưa một bài báo về chiến tranh tại Ukraine và yêu cầu hệ thống tạo 10 câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra mức độ hiểu biết của học sinh từ bài báo. Trong 10 câu hỏi, anh có thể sử dụng 6 câu.

“Các công cụ này sẽ giúp việc thảo luận, trao đổi giữa học sinh và giáo viên trở nên phong phú hơn”, thầy Jon Gold bày tỏ.

Tuy nhiên, các nhà giáo dục cảnh báo rằng câu trả lời của ChatGPT có thể không chính xác, thậm chí không có thật. Do đó, người sử dụng cần liên tục kiểm tra độ tin cậy của các thông tin thu thập được.

Đơn cử nhà khoa học dữ liệu người Thuỵ Sĩ, Teresa Kubacka, đã thử hỏi ChatGPT về một hiện tượng vật lý không có thật. Hệ thống đã đưa ra câu trả lời tương đối cụ thể và hợp lý, thậm chí trích dẫn từ nhiều nguồn tài liệu. Tuy nhiên, khi đối chiếu dữ liệu, bà Teresa Kubacka phát hiện các nguồn tài liệu lẫn tên chuyên gia được liệt kê không tồn tại.

Nhưng nhìn chung, sự ra đời của ChatGPT có thể trở thành công nghệ giáo dục thay vì công cụ gian lận. “Công nghệ không phải là vấn đề. Yếu tố cốt lõi là ai sử dụng và sử dụng theo cách nào”, chuyên gia công nghệ Amanda Kirby, Giám đốc điều hành Do-IT Solutions nhận định.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hai-mat-cua-chatgpt-post625719.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hai-mat-cua-chatgpt-post625719.html
Bài liên quan
ChatGPT gần như vượt qua kỳ thi cấp phép hành nghề y của Mỹ
Ở bài kiểm tra cấp phép chứng chỉ hành nghề y tại Mỹ, ChatGPT trả lời đúng 52,4-75% số câu hỏi trong 3 phần, trong khi ngưỡng vượt qua bài thi là 60%.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai mặt của ChatGPT