Đại diện ngành y tế TP HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, trong thời gian chờ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện, cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu không qua mạng đối với các gói thầu mua sắm thuốc có nhiều phần.
"Hiện công tác đấu thầu qua mạng rất khó khăn, vì thuốc rất nhiều. Nếu thực hiện các gói thầu lớn thì dễ nghẽn mạng" – bác sĩ Châu nói.
Bác sĩ Châu cũng bày tỏ sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, các đơn vị tiên phong, chủ chốt trong phòng chống dịch của TP được ghi nhận có sai sót, thiếu sót trong mua sắm đấu thầu. Các cơ sở này đang phải thực hiện kiểm điểm, thậm chí là làm việc với cơ quan điều tra.
"Cách đây 2 năm, các đơn vị từng là tiên phong đứng đầu chủ chốt phòng chống dịch COVID-19 được tôn vinh thì hiện nay đang làm kiểm điểm do kết luận thanh tra. Đặc biệt là những người trong hội đồng thuốc điều trị và ban giám đốc các bệnh viện. Cá nhân tôi trước tháng 8-2021 là Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP nên sắp tới cũng làm kiểm điểm. Bên cạnh đó, việc này còn tạo tâm lý không công bằng cho nhân viên y tế. Bởi do bị làm kiểm điểm nên các đơn vị tiên phong chống dịch sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này, thực sự ảnh hưởng đến tâm tư của anh em khi vừa trải qua một trận chiến" – bác sĩ Châu tâm tư.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết đoàn sẽ đưa ra kiến nghị cụ thể để giải quyết khó khăn. Cụ thể: Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm triển khai Nghị quyết 80/2023 mà Quốc hội đã thông qua liên quan đến công tác thanh kiểm tra, quyết toán, để tránh tư tưởng hoang mang của đội ngũ y tế. Thứ hai, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế cập nhật sớm các thông tư liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện các Nghị định về việc đặt hàng, đấu thầu, cung cấp sản phẩm dịch vụ công. Thứ ba, kiến nghị sớm ban hành các nghị định giải quyết khó khăn về công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Thứ tư, kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo ngành có thông tư hướng dẫn việc vận động, tiếp nhận, phân phối sử dụng các nguồn đóng góp chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh, sự cố. Thứ năm, đề nghị Bộ Y tế cùng cơ quan bảo hiểm xem xét cho phép ngoài việc trả lại các vật phẩm chống dịch còn dư, có thể điều phối các phần thuốc, sinh phẩm này về các đơn vị và bảo hiểm y tế chấp nhận thanh toán cho các bệnh viện. Thứ sáu, đề nghị Bộ Y tế xem xét nghiên cứu chính sách, để 18 tháng thực hành của nhân viên y tế được kết hợp giữa bệnh viện và các trung tâm y tế, trạm y tế, từ đó giúp đào tạo nguồn bác sĩ có nhiều chuyên môn tốt hơn. Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm UBXH, Phó trưởng đoàn giám sát Quốc hội cho biết, UB thường vụ Quốc hội đã có kiến nghị rõ đến Chính phủ bằng Nghị quyết 80 để gỡ vướng về việc mua sắm trang thiết bị y tế, máy móc cần áp dụng theo cơ chế đặc thù trong giai đoạn chống dịch theo Nghị quyết 30 ban hành trước đó. "Hy vọng sau khi có nghị quyết trên, mọi việc và các tâm tư, vướng mắc của ngành y tế sẽ được giải quyết ổn thỏa" – bà Thúy Anh cho biết. |