Ukraine đã mất 75% lực lượng hải quân sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022, sức mạnh hải quân của Ukraine lại càng suy giảm.
Với hy vọng kìm chân các lực lượng Nga trên biển, Ukraine đã phát triển tên lửa chống hạm nội địa R-360 Neptune. Neptune được chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 có từ thời Liên Xô. Mặc dù không khác biệt nhiều so với phiên bản cũ nhưng nó được cho là đóng vai trò quan trọng cho các hoạt động quân sự của Ukraine. Hồi tháng 4/2022, Ukraine tuyên bố đã đánh chìm soái hạm Moskva của Nga bằng tên lửa Neptune.
Jennifer Parker, chuyên gia quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho rằng đây là điều đáng ngạc nhiên bởi những tên lửa chống hạm phóng từ đất liền có cấu tạo “khá cơ bản” trong khi tàu tuần dương là loại khó đánh chìm.
Còn nhà phân tích Muraviev cho rằng: “Vụ đánh chìm tàu Moskva là một đòn giáng mạnh vào Nga nhưng sẽ không làm suy yếu tiềm năng toàn bộ soái hạm của họ. Hay nói cách khác, đây chỉ là hành động mang tính biểu tượng”. Trong khi đó, phía Nga đã bác bỏ tuyên bố của Ukraine và cho biết soái hạm Moskva bị chìm do một vụ nổ kho đạn dược trên tàu.
Ngoài Neptune, Ukraine cũng có một loại tên lửa khác là Harpoon do NATO cung cấp, giúp bù đắp một phần cho việc thiếu hụt lực lượng hải quân. Kiev đã sử dụng tên lửa này để ngăn cản Nga tiến hành nhiều cuộc tấn công. Mặc dù việc sử dụng tên lửa hành trình chống hạm không phải là mới nhưng nhà phân tích Parker cho rằng điều gây chú ý là hiệu quả của chúng.
Cuộc cách mạng về phương tiện không người lái cảm tử
Các cuộc tấn công bằng xuồng không người lái cảm tử (USV) thời gian gần đây đã làm dấy lên những cuộc tranh luận giữa các chuyên gia hải quân về mối đe dọa của USV đối với tàu thuyền. Ukraine bắt đầu làn sóng tấn công bằng USV vào tháng 10/2022. Ở thời điểm đó, Nga cáo buộc Kiev triển khai ít nhất 7 USV tấn công tàu thuyền của nước này tại cảng cảng Sevastopol, nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen.
Đến tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã phát động một chiến dịch gây quỹ để thành lập “hạm đội không người lái hải quân đầu tiên trên thế giới”. Kể từ đó, Ukraine đã gia tăng tần suất các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tàu thuyền và cơ sở hạ tầng của Nga.
USV đã được sử dụng trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới trong vài năm qua nhưng đây là lần đầu tiên phương tiện này được sử dụng với quy mô lớn như vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới Kiev có thể triển khai USV tấn công theo kiểu “bầy đàn”. Hiện nước này đang thử nghiệm một loạt thiết kế USV mới, tinh vi hơn và mang theo khối lượng thuốc nổ lớn hơn. Kiev đã tiết lộ kế hoạch sản xuất phương tiện bay không người lái dưới nước mới, có tên gọi Toloka TLK-150, được mô tả như một “tàu ngầm tự động nhỏ”.
Mối đe dọa từ thủy lôi
Thủy lôi được cho là một trong những mối đe dọa lớn buộc Nga chuyển một số hạm đội của họ từ cảng Sevastopol ở Crimea trở lại Novorossiysk ở miền Nam nước này. Ukraine thừa nhận họ đã cài đặt thủy lôi tại Biển Đen nhằm mục đích tự vệ nhưng không nêu rõ loại thủy lôi được sử dụng. Trong khi cộng đồng tình báo Mỹ và Anh cho biết họ có thông tin cho rằng Nga đã đặt thủy lôi tại lối vào các cảng biển của Ukraine để ngăn cản hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Theo các chuyên gia quân sự, thủy lôi có thể được đặt dưới đáy biển và được kích hoạt bằng âm thanh, áp suất hoặc cú va chạm. Nhà phân tích Parker cho rằng, loại nguy hiểm nhất là thủy lôi trôi nổi vì chúng không được đặt ở một vị trí cố định: “Chúng ẩn dưới nước hoặc trôi theo dòng nước, rất khó xác định vị trí của chúng. Loại thủy lôi này đang tạo ra mối đe dọa đối với giao thông trên biển”.
Giáo sư Muraviev nhận định, Ukraine đã nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ bờ biển và củng cố sức mạnh của các lực lượng trên bộ, nhưng trong các cuộc đối đầu hải quân, Nga vẫn có lợi thế hơn.
"Lực lượng hải quân Ukraine đang dần mất đi sức mạnh. Họ chỉ có một bộ chỉ huy hải quân và một số con tàu nhỏ. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc sẽ cho thấy Nga sẵn sàng tiến bao xa và phương Tây cũng vậy”, ông Muraviev lưu ý.