Tại một số khu vực ở Seoul (Hàn Quốc), trẻ em ngay từ lúc 4 tuổi đã bắt đầu những bước đầu tiên cho kỳ thi... đại học. Điều này đã gây nên những tranh cãi về áp lực học tập quá mức đối với con trẻ.
Tại một trong những quận giàu có bậc nhất Seoul (Hàn Quốc), thay vì được vui chơi đúng như lứa tuổi, những đứa trẻ 4 tuổi đã phải luyện tập viết bài tiếng Anh năm đoạn trong vòng 15 phút.
Được thiết kế để xét tuyển vào các trường mẫu giáo quốc tế danh giá, những bài kiểm tra khắc nghiệt này là một trong những xu hướng mới nhất trong cuộc chạy đua giáo dục đầy áp lực của Hàn Quốc. Các chuyên gia cảnh báo cuộc đua này đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và tước đoạt sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Được biết, các kỳ thi đầu vào với những câu hỏi dành cho học sinh trung học không phải là hiếm tại các trường mẫu giáo tinh hoa ở Daechi-dong, một khu phố giàu có thuộc quận Gangnam của Seoul, thường được gọi là "thủ đô giáo dục" của Hàn Quốc.
Đối với phụ huynh, việc giành được một suất cho con tại một trong những trường mẫu giáo này mang lại lợi thế quan trọng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để vào 3 trường đại học hàng đầu của đất nước. Tấm bằng từ một trong những trường đại học danh giá này thường được xem là "tấm vé vàng", mang đến sự nghiệp ổn định, uy tín xã hội và thành công suốt đời.
Choi Myung-hee, giáo sư ngành giáo dục mầm non tại Đại học Shingu với hàng chục kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu cạnh tranh này, cho rằng nguồn gốc của hiện tượng này bắt nguồn từ sự gia tăng của các "phụ huynh trực thăng" quá can thiệp, luôn theo sát sự thành công của con cái.
Những phụ huynh này thường sinh ra vào những năm 60, 70 thế kỷ trước. Họ đã trải qua giai đoạn phát triển thần tốc của Hàn Quốc, và giờ đây họ chuyển những lo âu của mình thành việc đảm bảo tương lai cho con cái.
"Để trở thành quốc gia phát triển trong một khoảng thời gian ngắn, người dân Hàn Quốc đã cực kỳ chăm chỉ và luôn phải sống cạnh tranh. Và điều này được phản ánh rõ nét nhất trong hệ thống giáo dục của chúng tôi. Quan niệm phải vào được những trường đại học hàng đầu đã được tồn tại trong suốt gần 100 năm qua", ông Choi chia sẻ.
Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (CSAT), hay còn gọi là Suneung, vốn là nỗi ám ảnh của học sinh tại Hàn Quốc. Điểm số của học sinh được xếp hạng tương đối so với toàn bộ thí sinh tham gia kỳ thi, nghĩa là ngay cả một sự khác biệt nhỏ nhất cũng có thể quyết định thành công hay thất bại.
Mong muốn giúp con cái có lợi thế trong việc leo lên nấc thang xã hội, các gia đình đều cố gắng cho con theo học tại các học viện tư thục (còn được gọi là hagwon) sau giờ học.
Thường được so sánh với các trường luyện thi, hagwon được coi là yếu tố cần thiết trong việc tạo thêm cho trẻ lợi thế cạnh tranh. Học viện này thậm chí còn cung cấp các khóa học chuyên biệt cho học sinh tiểu học nhằm chuẩn bị cho việc luyện thi vào trường y trong tương lai.
Cuộc cạnh tranh không ngừng này khiến hơn 80% học sinh Hàn Quốc đều theo học các hagwon. Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, chỉ trong năm 2024, phụ huynh đã chi khoảng 29.200 tỷ won (khoảng 20 tỷ USD) cho giáo dục tư thục.
Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục nước này cho thấy, phụ huynh của trẻ em dưới 6 tuổi đã chi 815,4 tỷ won (khoảng 558,85 triệu USD) cho giáo dục tư thục trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2024. Gần một nửa số trẻ em trong nhóm tuổi này theo học tại các cơ sở giáo dục tư thục, bố mẹ cũng cố gắng dốc hết tài chính và thời gian để con mình có thể theo kịp bạn bè.
Áp lực "phải xuất sắc ngay từ khi còn bé" không chỉ giới hạn ở thủ đô. Kang Young-mi, một người mẹ từ Daejeon - thành phố phía nam Seoul chia sẻ: "Phụ huynh của bạn con gái tôi thậm chí đã mua một căn hộ một phòng ở khu phố sang trọng để con họ có thể theo học tại một trong những trường học ở đó".
Cô Kang cho biết, những người chuyên quảng cáo và tiếp thị cho các trường mẫu giáo đã tiếp cận cô với những cuốn sách chứa đầy câu hỏi kiểm tra dành cho con gái 4 tuổi.
Kang tin rằng cách tiếp thị này là một phần trong chiến lược có chủ đích của các trường hagwon nhằm khơi dậy lo lắng của phụ huynh, bởi bố mẹ nào cũng đều hướng tới một mục tiêu cuối cùng, đó là kỳ thi đại học đầy áp lực kéo dài tám giờ của Hàn Quốc - Suneung.
Tuy nhiên, khác với số đông, Kang không gửi con gái đến hagwon. Cô mong muốn nuôi dạy con trong một môi trường lành mạnh, nơi chúng có thể phát triển một cách khỏe mạnh và hạnh phúc mà không phải chịu áp lực quá lớn từ giáo dục hay xã hội. "Với tư cách là một thành viên của xã hội, tôi bắt đầu tham gia kêu gọi thay đổi trong giáo dục trẻ em và cảm thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn nữa", cô nói.
Hiện tại, Kang đang lãnh đạo một nhóm hoạt động vận động cải cách hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Mục đích hoạt động của nhóm là bãi bỏ hệ thống chấm điểm tương đối của Suneung, thay vào đó là mô hình đậu hoặc trượt, từ đó làm giảm áp lực lên học sinh.
"Thật đáng lo ngại khi học sinh hiện nay xem bạn cùng lớp như đối thủ cạnh tranh và thiếu sự đồng cảm với người khác", Kang chia sẻ. Trong xã hội hiện nay, trẻ em được dạy bằng mọi giá phải vượt qua bạn bè, luôn phải cạnh tranh để có thể dành được tấm vé vào các trường top đầu.
Cái giá phải trả cho điều này thể hiện rõ trong tỷ lệ tự tử của đất nước, cao nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chỉ trong năm 2023 đã có 214 học sinh tiểu học và trung học đã tự tử - một con số kỷ lục.
Giáo sư Choi cho rằng áp lực thành tích của giáo dục Hàn Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.
"Xã hội Hàn Quốc chưa chú trọng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ. Sự ổn định về mặt cảm xúc mới là gốc rễ mang đến khả năng sáng tạo và nhận thức cho những mầm non tương lai của đất nước", bà nói.
Một phụ huynh khác là cô Do Seung-sook, cũng đang cố gắng cải thiện điều này. Mặc dù con gái cả của cô từng theo học một hagwon ở Daechi-dong để vào trường luật, nhưng cô Do tin rằng kỹ năng xã hội và trải nghiệm cuộc sống cũng quan trọng không kém.
"Vào mỗi thứ Hai tại khu đất trống gần trường học, tôi đều cùng với các phụ huynh học sinh khác cho các bé chơi những trò chơi giải trí, giúp các con có thể hòa nhập và kết thân với nhau. Thật may là rất nhanh đã có nhiều bạn học sinh đến tham gia", cô tâm sự.
Cô Do cũng thường gửi các con gái đến trại hè để học các kỹ năng thực tế như may vá và làm đồ gỗ, giúp các con có thêm trải nghiệm và giảm bớt áp lực học tập.