Hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2024

28/02/2024, 05:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tăng trần giá vé máy bay nội địa; Bãi bỏ chương trình tín dụng đối với học sinh (HS), sinb viên (SV) khó khăn để mua máy tính… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 3/2024.

Tăng trần giá vé máy bay nội địa

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 34/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư 34/2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3.

Chính thức tăng trần giá vé máy bay nội địa. Ảnh minh họa TPO

Chính thức tăng trần giá vé máy bay nội địa. Ảnh minh họa TPO

Theo đó, Thông tư mới sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng/vé/chiều); đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng/vé/chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024 quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí.

Cụ thể: Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Giảng viên gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Tài chính gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 02/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2024.

Những công trình điện là tài sản công được chuyển giao cho EVN. Ảnh minh họa: EVNHANOI.

Những công trình điện là tài sản công được chuyển giao cho EVN. Ảnh minh họa: EVNHANOI.

Nghị định 02/2024 nêu rõ, công trình được chuyển giao sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triên điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh tại thời điểm xây dựng hoặc tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; Đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao.

Đồng thời, đây cũng phải là công trình điện đang vận hành (đang được sử dụng để phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) bình thường tại thời điểm kiểm tra thực trạng công trình điện để chuyển giao; Công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bảo đảm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào khác.

Bãi bỏ chương trình tín dụng đối với HS, SV khó khăn để mua máy tính

Quyết định số 02/2024 ban hành ngày 5/2/2204 của Thủ tướng Chính phủ sẽ có hiệu lực từ ngày 30/3/2024. Quyết định mới này sẽ bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 09/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS, SV) có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành:

Ngân hàng Chính sách xã hội, khách hàng và các bên liên quan tiếp tục thực hiện theo các nội dung quy định trong hợp đồng tín dụng đã ký.

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện theo dõi, quản lý thu hồi nợ và xử lý các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến khoản nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trước đó, ngày 4/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09 về tín dụng đối với HS, SV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Mức vốn cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên với thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.

Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Vốn vay được sử dụng để mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến bao gồm: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2024