Cụ thể là Quyết định 44 của UBND TP. Hà Nội và Thông tư 25 của Bộ Tài chính để phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng cư dân, để ổn định cuộc sống và an ninh trật tự được đảm bảo.
Đại diện Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, việc đòi quyền lợi của cư dân tại chung cư Atermis là cần thiết và công an quận ủng hộ. Tuy nhiên, Công an quận Thanh Xuân đề nghị cư dân và chủ đầu tư khi xảy ra tranh chấp, đòi quyền lợi có thể kiến nghị, khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật. Hai bên tránh để xảy ra những hành động vượt quá kiểm soát, vừa vi phạm pháp luật, lại gây mất mỹ quan đô thị…
Cần ổn định cuộc sống của người dân
Kết luận cuộc họp, ông Hoàng Trung Thành - Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân (Hà Nội) khẳng định: "Tòa nhà Artemis không nằm trong (hay trên) vành đai 2 của Hà Nội mà nằm ngoài đường vành đai 2 và trong vành đai 3. Đề nghị chủ đầu tư có văn bản giải trình về sự việc. Đề nghị chủ đầu tư điều hành trở lại trạng thái bình thường trong 1 tuần để ổn định cuộc sống của người dân và tình hình an ninh trật tự. Chúng tôi sẽ có những văn bản trả lời trong thời gian tới. Trong trường hợp các bên không thỏa mãn nguyện vọng thì có thể kiện ra tòa", đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân nhấn mạnh.
Sau cuộc họp, các cư dân cũng không đồng ý với nhiều ý kiến của chủ đầu tư khi làm việc với phía UBND quận Thanh Xuân.
Cũng trong cuộc trao đổi sáng 15/11, ông Hoàng Nghĩa Hiển, cho rằng, chủ đầu tư không thể áp dụng tăng giá vì địa bàn cư dân đang sinh sống không phải là "phố cổ".
"Chúng tôi khẳng định hầm không phải của chủ đầu tư, chủ đầu tư nói thế thì không ai nghe được. Yêu cầu chủ đầu tư phải tôn trọng pháp luật, giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, quy định hiện hành. Vị trí tòa nhà theo luật là nằm ngoài vành đai 2 và trong vành đai 3. Vì vậy không có căn cứ nâng mức giá như hiện nay".
Đại diện cư dân chung cư Atermis nhấn mạnh, căn cứ tăng mức giá của chủ đầu tư là chưa hợp lý, trong khi hầm trông giữ xe đã sử dụng hơn 6 năm nay nhưng chưa được bảo trì, bảo dưỡng đúng mức. Đại diện cư dân đề nghị UBND quận Thanh Xuân, cần sớm có văn bản giải quyết sự việc. Trong đó, cư dân đề nghị khi tranh chấp chưa thể giải quyết được thì phải giữ nguyên hiện trạng.
"Chúng tôi mong muốn phía UBND quận Thanh Xuân có những thông báo hay văn bản hướng dẫn để cư dân ổn định cuộc sống. Khi chưa đi đến thống nhất phương án mới, phải tạm thời giữ nguyên hiện trạng. Chủ đầu tư không thể đơn phương làm theo ý của mình. Thích thì đưa ra luật chơi bằng nội quy của mình, bất chấp quy định pháp luật, ép cư dân như hiện nay được", các cư dân đề nghị.
Tóm tắt sự việc:
Ngày 27/10, tại chung cư cao cấp Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Công ty Cổ phần Đầu tư MHL bất ngờ ra thông báo tăng giá xe từ ngày 1/11.
Theo đó, hầm vốn được thiết kế đủ số lượng cho mỗi 1 căn hộ được đỗ 1 ô tô và tổng suất đỗ ô tô trong hầm là 385 (hiện nay đã cải tạo, con số có thể lớn hơn), xe máy là 993.
Tuy nhiên, từ 1/11, chủ đầu tư cắt rất nhiều suất đỗ ô tô của cư dân, thành 220 suất ưu đãi áp dụng giá 2,3 triệu đồng/tháng cho cư dân đăng ký sớm áp dụng đến ngày 31/12/2023 (giá cũ là 1,5 triệu đồng/tháng). Từ ngày 1/1/2024 là 2,5 triệu đồng/tháng. Suất đỗ ô tô của nhiều cư dân khác áp giá mới là 2,9 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, chủ đầu tư đánh tráo khái niệm khi áp dụng giá xe máy mới (không dùng vé tháng) thành combo gửi 30 ngày với giá áp dụng của mỗi căn hộ chỉ cho gửi 1 chiếc với giá 120.000 đồng/tháng đến ngày 1/1/2024 là 150.000 đồng/tháng. Từ xe máy thứ 2 là 230.000 đồng/tháng (giá cũ là 60.000 đồng/tháng, giá trần quy định là 120.000 đồng/tháng).
Sáng 8/11, hàng loạt ô tô của cư dân bị khóa bánh, không cho ra vào tầng hầm nếu không đáp ứng yêu cầu đóng tiền phí gửi xe theo khung giá mới mà chủ đầu tư tự ý quy định, khi chưa có sự đồng tình của cư dân.